Lần đầu tiên thủ tướng được giới thiệu bầu chủ tịch nước ở Việt Nam

Đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử cho chức chủ tịch nước, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bầu cử ở Việt Nam.

Việt Nam sẽ lần đầu tiên có một đương kim thủ tướng được giới thiệu làm ứng cử viên cho chức chủ tịch nước, hiện đang do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm từ khi Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời năm 2018.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được truyền thông trong nước trích lời cho biết hôm 23/3 rằng đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 24/3 và điều này chưa từng có tiền lệ.

Trả lời phóng viên, ông Tổng thư ký Quốc hội cho biết có khoảng 25 chức danh lãnh đạo sẽ được Quốc hội kiện toàn tại kỳ họp này, trong đó có chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng. Ngoài việc xác nhận thông tin Thủ tướng Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Hạnh Phúc không thông báo cụ thể về đề cử nhân sự ở các chức danh khác, theo VnExpress.

Trước đó hôm 18/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiết lộ danh tính các ứng viên cho vị trí chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội, dù những thông tin này đã rò rỉ ra công chúng từ vài tháng trước đó.

Theo danh sách sơ bộ cho người của các cơ quan trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá mới của MTTQVN, ngoài Thủ tướng Phúc được giới thiệu ứng cử khối Chủ tịch nước, còn có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cứng cử khối Quốc hội.

Lý giải lúc đó về việc đại biểu đang ở khối này lại được giới thiệu ứng cử ở khối khác, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯMTTQVN Hầu A Lềnh, được Thanh Niên trích lời nói rằng “danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử ở các khối được lập theo thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.”

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, phó Ban công tác đại biểu của Quốc hội, cho biết hôm 23/3 rằng “nhân sự Thủ tướng sẽ do Chủ tịch nước giới thiệu” và rằng “tất cả theo quy trình của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ.” Cũng theo ông Tuấn Anh, cho đến nay “chưa có ai tự ứng cử” vào các chức danh cao nhất của Việt Nam, được biết là “tứ trụ.”

Kể từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời tháng 9/2018, ông Trọng đã kiêm nhiệm thêm chức danh này, một động thái được so sánh giống với việc Chủ tịch Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực ở Trung Quốc với hai chức danh tương tự. Ông Trọng tái cử chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp tại Đại hội Đảng 13 vừa qua với hai đặc cách về giới hạn tuổi và số lượng nhiệm kỳ.

Ông Phúc, 67, tuổi cũng là một ngoại lệ vì quá giới hạn tuổi cho phép, khi theo quy định của Bộ Chính trị các uỷ viên tái cử không quá 65 tuổi. Và theo kịch bản mà giới quan sát nhận định, ông Phúc sẽ trúng cử chức chủ tịch nước, một chức danh mang tính nghi lễ nhiều hơn là thực quyền so với chức vị đứng đầu chính phủ như ông đang nắm hiện nay.

Bộ Chính trị đưa ra danh sách giới thiệu ứng cử viên cho 3 vị trí ‘tam trụ’ hôm 8/3 và ông Trọng lúc đó đề nghị “quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã thông qua” để nhằm “đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.”