Lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập công khai đồng tính

Lương Thế Huy là ứng viên độc lập công khai đồng tính đầu tiên tham gia tranh cử vào Quốc hội Việt Nam.

Trong số 9 ứng cử viên độc lập của kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 15, Lương Thế Huy được xem là người đại diện cho cộng đồng LGBTI và giới trẻ tham gia tranh cử vào chính trường Việt Nam

Lương Thế Huy, một nhà hoạt động cho quyền của người đồng giới, lưỡng tính, chuyển giới và liên giới (LGBTI) và bình đẳng giới, trở thành người công khai đồng tính đầu tiên tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam.

Nhà hoạt động 33 tuổi, từng theo học chương trình Thạc sỹ Luật tại Đại học California phân viện Los Angeles ở Mỹ, là một trong 3 ứng viên độc lập của Thành phố Hà Nội tham gia ứng cử vào kỳ bầu cử Quốc hội lần thứ 15, dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.

Theo tiểu sử tự thuật được đăng tải trên trang Facebook cá nhân, anh Huy cho biết anh ứng cử ĐBQH từ quận Hà Đông của huyện Thanh Trì và cùng lúc tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Vẫn theo tiểu sử tự thuật, anh Huy, hiện là viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thạc sỹ với chuyên ngành Luật và Tính dục.

Chuyên gia chính sách về giới này cam kết sẽ là tiếng nói đại diện cho giới trẻ và cộng đồng thiểu số nếu được bầu vào Quốc hội Việt Nam, theo VnExpress.

Khi được phỏng vấn qua điện thoại, anh Huy từ chối trả lời các câu hỏi của VOA và nói rằng anh “chỉ tập trung chia sẻ (thông tin) với báo chí trong nước”.

Nhiều tuần trước thềm bầu cử Quốc hội khoá 15, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất hai người sau khi họ tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ông Lê Trọng Hùng, người có chiến dịch vận động cử tri với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền hợp hiến và xã hội thượng tôn pháp luật, bị Công an TP Hà Nội bắt vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước” hồi cuối tháng 3.

Trước đó công anh tỉnh Ninh Bình bắt giam ông Trần Quốc Khánh, người được cho là có nhiều bài viết liên quan đến vi phạm nhân quyền và tham nhũng của các quan chức nhà nước, với cáo buộc tương tự.

“Xu hướng tự ứng cử cần phải được cổ vũ và ủng hộ”, anh Bùi Sơn, một cử tri của Quận Hoàng Mai, Hà Nội, nói với VOA. “Các ứng cử viên độc lập được kỳ vọng nhiều hơn, vì họ có tư duy khác biệt hơn so với những ứng cử viên do các tổ chức giới thiệu bởi những tư duy khác biệt mới tạo ra sự đột phá và thay đổi”.

Tuy nhiên anh Sơn, người nói rằng sẽ không tham gia bỏ phiếu lần này vì “không được biết và tiếp xúc với những ứng cử viên” tại quận Hoàng Mai nơi anh sinh sống, cho rằng anh không đặt nhiều kỳ vọng vào việc những ứng cử viên độc lập hoặc trẻ như anh Huy sẽ được bầu.

“Những ứng cử viên độc lập sẽ không có nhiều ưu thế so với những ứng cử viên kinh qua nhiều vị trí, vào đảng lâu năm, qua nhiều lĩnh vực công tác và thông thường những người dân không hiểu biết sâu sắc về chính trị Việt Nam, thờ ơ với thời cuộc sẽ có xu hướng bỏ phiếu cho những người có kinh nghiệm ‘cho nó an toàn’,” anh Sơn nói và cho rằng những ứng cử viên độc lập và trẻ tuổi thường được phân chia vào các nhóm để làm “nền” cho các ứng cử viên là người của Đảng và có kinh nghiệm.

Trong số 868 ứng cử viên đại biểu Quốc hội có 74 người ngoài Đảng và 9 người tự ứng cử, theo Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường được Tuổi Trẻ trích lời cho biết. Hàng chục triệu cử tri vào ngày 23/5 sẽ bầu chọn ra 500 đại biểu quốc hội từ những ứng cử viên này cho khóa mới.

Cựu Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hồi tháng 2 nói rằng Quốc hội “phấn đấu người ngoài Đảng từ 25-50 người”. Theo cơ cấu của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất về lý thuyết đại diện cho gần 100 triệu người dân, đại đa số là người của Đảng Cộng sản.

“Với kiểu biểu quyết như hiện nay, tôi e rằng (những đại biểu quốc hội độc lập và ngoài Đảng) sẽ bị áp lực từ những đại biểu khác hay tập thể đó để có một tiếng nói mang tính chất độc lập hay dám mạnh dạn nói những vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam”, anh Sơn nói và cho rằng đó là lý do nhiều người sau khi được bầu không thể thực hiện được những cam kết của mình trước đó.

Nhưng anh Sơn, dù không đặt kỳ vọng vào sự thay đổi lớn mà những ứng cử viên độc lập hay ngoài Đảng có thể tạo ra, vẫn hy vọng rằng họ sẽ tạo ra cảm hứng cho những người trẻ quan tâm hơn đến chính trị và các vấn đề xã hội ở Việt Nam.

"Tôi muốn kêu gọi thế hệ trẻ cùng tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Trước hết bằng hành động thiết thực là quan tâm đến bầu cử, tìm hiểu về ứng cử viên, có trách nhiệm với lá phiếu của mình," anh Huy được báo Pháp luật Xã hội trích lời nói.

Việc một người công khai đồng tính tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đã gây lên những tranh luận trên các trang mạng xã hội. Trong khi có nhiều người bày tỏ niềm hy vọng vào một người trẻ đại diện cho cộng đồng LGBT tham gia vào chính trường, thì cũng có những người không ủng hộ việc này.

Diễn viên kiêm đạo diễn Hồng Ánh bày tỏ sự ủng hộ và hy vọng trên trang Facebook cá nhân về việc tự ứng cử ĐBQH của anh Huy khi cho rằng cần “cổ vũ nhiệt tình những cá nhân có đức, trí, tài”.

“Nếu mình là cử tri tại đơn vị bầu cử số 6, Quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai - thủ đô Hà Nội chắc chắn bạn ấy sẽ có một phiếu của Hồng Ánh. Luôn luôn tin tưởng, tự hào và chưa bao giờ thất vọng về bạn ấy”, Hồng Ánh viết khi chia sẻ chương trình hành động của anh Huy trong đăng tải trên Facebook.

Chương trình hành động mà anh Huy cam kết nếu được cử tri tín nhiệm bầu là ĐBQH gồm có đại diện cho quyền lợi của cử tri, phản biện các chính sách pháp luật và các dự án luật, đấu tranh cho bình đẳng giới, thiết lập nhiều kênh thông tin đa dạng để lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, trong số nhiều các cam kết khác.

“Tôi không ghét người đồng tính, tôi chỉ không cảm thấy thoải mái với một người đồng tính trong Quốc hội của chúng ta”, một người dùng mạng xã hội bày tỏ trên Facebook.

Anh Huy là người đầu tiên công khai đồng tính tham gia ứng cử vào Quốc hội Việt Nam với tư cách là ứng viên độc lập, theo truyền thông trong nước. Dù Việt Nam đang dần cởi mở hơn đối với người đồng tính và cho phép các cuộc diễu hành của cộng đồng LGBT được tổ chức hàng năm, vẫn tồn tại những kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính ở quốc gia Đông Nam Á chủ yếu theo đạo Phật.

Nếu trúng cử, với tư cách là một chuyên gia chính sách, trong hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, anh Huy sẽ “tham gia xây dựng, phản biện các chính sách pháp luật và các dự án luật, tạo sức bật phát triển cho đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm tại địa phương”, theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân. Anh Huy được tờ báo này trích lời nói trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, hôm 11/5, rằng anh sẽ “sử dụng quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH để đề nghị, tham gia xây dựng Luật Chống phân biệt đối xử, bảo đảm mọi người đều có cơ hội công bằng trong y tế, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội".