Lãnh đạo Châu Á bàn về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên

Nhiều người tin rằng Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ trong việc chế tạo bom hạt nhân, nhưng vẫn phải tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào phi đạn.

Vấn đề Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể không nằm trong nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh APEC hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, vấn đề này chắc chắn sẽ được các nhà lãnh đạo Châu Á mang ra thảo luận trong các cuộc họp bên lề Hội nghị ở Trung Quốc và Miến Điện.

Các nhà lãnh đạo của 21 thành viên APEC, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên, sẽ với nhau vào tuần sau tại Bắc Kinh. Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á do khối ASEAN tổ chức, sẽ diễn ra ở Myanmar.

Bắc Triều Tiên không phải là thành viên của cả hai tổ chức vừa kể, nhưng theo giáo sư Kim Han Kwon, Giám đốc chương trình nghiên cứu khu vực của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ được bàn tới tại hai cuộc họp thượng đỉnh đó.

Ông Kim nói rằng vấn đề Bắc Triều Tiên không phải chỉ là một đề tài của bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Á, mà còn là một đề tài có thể mang lại một sự thay đổi lớn trong hệ thống an ninh của cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Do đó, chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ được thảo luận một cách chính thức hoặc không chính thức tại các cuộc họp thượng đỉnh này.

Các cuộc thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên giờ đây có lẽ sẽ có tính chất cấp bách hơn, sau khi truyền thông Nam Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã khởi động một nhà máy mới để tinh luyện uranium tại cơ sở hạt nhân chính của họ.

Nhiều người tin rằng Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ trong việc chế tạo bom hạt nhân, nhưng họ vẫn còn phải tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào phi đạn.

Trong những năm gần đây, một số nhà phân tích cho rằng vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là một lãnh vực mà Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác với nhau để giảm thiểu căng thẳng.

Theo tường thuật của báo chí, Bắc Triều Tiên đã làm cho đồng minh duy nhất của họ là Trung Quốc cảm thấy tức giận khi họ tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 2013, bất chấp lệnh cấm của Liên hiệp quốc.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Trung Quốc đã làm những việc mà Washington cho là có ích, như cắt giảm lượng xăng máy bay bán cho Bắc Triều Tiên và những hoạt động thương mại khác, để gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng ngần ngại không muốn ủng hộ việc áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn vì e rằng điều đó có thể đe dọa tới sự ổn định của Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc muốn khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nga, và Hoa Kỳ, với mục tiêu là Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Các cuộc thương lượng đó đã chính thức chấm dứt vào năm 2009 sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố họ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Hoa Kỳ cho biết họ muốn Bắc Triều Tiên chấm dứt các hoạt động hạt nhân trước khi Washington tham gia cuộc điều đình về việc gia tăng viện trợ.

Giáo sư Kim Han Kwon cho biết ông không nghĩ rằng cuộc họp giữa Trung Quốc và Mỹ vào tuần sau ở Bắc Kinh sẽ mang lại những tiến bộ cấp thời.

Ông Kim nói rằng ngay cả trong trường hợp Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý thì cũng cần có thêm thời gian mới có thể mở lại cuộc đàm phán 6 bên.

Theo lịch trình đã được ấn định, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ họp với Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye tại Myanmar. Đôi bên có phần chắc sẽ thảo luận về những dấu hiệu lẫn lộn mà Bắc Triều Tiên đưa ra hồi gần đây. Bình Nhưỡng đôi lúc cho thấy họ muốn quay lại bàn đàm phán, nhưng vẫn tiếp tục đưa ra những lời lẽ thù nghịch nhắm vào Washington và Seoul.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn có phần chắc cũng sẽ thảo luận về thỏa thuận hồi tháng trước để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nam Triều Tiên.