Lãnh đạo Châu Âu phản hồi về việc Anh rời khỏi EU

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chuẩn bị cho cuộc gặp giới truyền thông tại tòa nhà của Hội đồng châu Âu ở Brussels, ngày 24 tháng 6 năm 2016.

Người dân Anh hôm nay biểu quyết với tỷ lệ sít sao tách ra khỏi Liên hiệp Châu Â, một động thái mà một số lãnh đạo EU gọi là sai lầm nghiêm trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói ‘Chúng tôi ghi nhận quyết định của người dân Anh bằng một sự tiếc nuối. Rõ ràng đây là đòn giáng mạnh cho Châu Âu và cho quá trình thống nhất EU.'

Bà Merkel cho biết thêm thứ hai tuần sau bà sẽ họp với lãnh đạo Pháp, Ý, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tại Berlin.

Cũng trong tuần tới, Chủ tịch Tusk sẽ tổ chức thượng đỉnh EU đầu tiên mà không có sự tham dự của Anh để thảo luận về quyết định Anh rời bỏ Liên hiệp Châu Âu. Thủ tướng Anh, David Cameron, người sáng nay loan báo sẽ từ chức, sẽ tham dự ngày đầu tiên của thượng đỉnh kéo dài hai ngày khởi sự vào thứ ba.

Trước đó trong ngày hôm nay, ông Tusk nói Anh đã phạm sai lầm khi rời khỏi EU, thị trường lớn nhất thế giới. "Việc này sẽ có hậu quả," ông nói. "Tôi không tin rằng các nước khác sẽ được khuyến khích đi theo con đường nguy hiểm ấy."

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông biết nước Anh "sẽ vẫn là một đồng minh mạnh mẽ, khắng khít của NATO và sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong liên minh, một liên minh mà ông mô tả là "vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với Liên hiệp Châu Âu."

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông vô cùng tiếc cho nước Anh và cho EU, nhưng tôn trọng sự lựa chọn của họ.

Tương tự, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng lên Twitter tỏ thái độ không hài lòng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Ông nói ông "buồn cho Vương quốc Anh."

"Châu Âu sẽ tiếp tục bước tới nhưng phải phản ứng và tìm lại lòng tin của dân chúng. Đây là điều cấp bách," ông Ayrault nói.

Một phát ngôn nhân của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết ông kỳ vọng EU sẽ tiếp tục là "một đối tác vững chắc" với Liên hiệp quốc và Vương quốc Anh "sẽ tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong nhiều lĩnh vực."

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde kêu gọi nhà chức trách Anh và Châu Âu "hợp tác" để đảm bảo sự "chuyển đổi suôn sẻ" sang một mối quan hệ kinh tế mới cũng như để xác định rõ ràng các thủ tục hướng dẫn quy trình.

Hơn 70 phần trăm cử tri đăng ký đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Trong mắt nhiều người ủng hộ việc Anh tác ra khỏi EU, cuộc trưng cầu dân ý này phản ánh thái độ của người Anh về vấn đề di dân, chủ quyền, an ninh và tương lai kinh tế của Anh.

Một số lãnh đạo Châu Âu xem việc Anh rút khỏi EU thành công như một cơ hội để thúc đẩy các cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước họ. Trong số này có lãnh đạo cực hữu của Pháp Marine Le Pen, người ca ngợi quyết định của Anh là một "chiến thắng cho sự tự do."

Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp viết trên Twitter: "Như tôi đã yêu cầu trong nhiều năm nay, chúng ta giờ đây phải tổ chức trưng cầu dân ý như thế tại Pháp và các nước EU."

Sau tin tức về kết quả trưng cầu dân ý tại Anh, lãnh đạo Đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders kêu gọi Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU của mình. Wilders, người hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, nói nếu được bầu làm Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Ông nói "Chúng tôi đảm trách đất nước, tiền tệ, biên giới, và chính sách di dân của riêng mình. Nếu tôi trở thành Thủ tướng, cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về việc tách ra khỏi Châu Âu. Hãy để cho dân chúng Hà Lan tự quyết định."

Một cuộc khảo sát được tiến hành trong tuần này ở Hà Lan bởi kênh truyền hình EenVandaag cho thấy 54% dân chúng Hà Lan ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Sau cuộc bỏ phiếu ở Anh, các nhà lãnh đạo trong và xung quanh Châu Âu đang tìm cách xoa dịu những nỗi e ngại của dân chúng sau những chỉ dấu đầu tiên cho thấy thị trường kinh tế thế giới đang chao đảo. Cổ phần Euro và chứng khoán ở Anh, Pháp Đức giảm từ 7% đến 10% ngay sau khi mở cửa, trong khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào giữa trưa.

Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gửi thông điệp trấn an dân chúng và khuyến khích họ chớ nên kích động sự bất ổn trước quyết định của Anh.

Sau cuộc họp hôm nay của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Tashkent, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ cử tri Anh đã quyết định rời khỏi EU vì "không ai muốn chu cấp và trợ cấp cho các nền kinh tế yếu hơn hoặc hỗ trợ cho các nước khác, cho toàn bộ dân chúng các nước." Ông nói thêm rằng cử tri Anh không hài lòng về sự xuống cấp an ninh trong bối cảnh của "tiến trình di dân ào ạt."

Tổng thống Nga cũng phản hồi ý kiến Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần rồi khi ông Cameron nói rằng lãnh đạo Nga sẽ hoan nghênh một cuộc bỏ phiếu ủng hộ Anh rời bỏ EU và nghi rằng thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cũng sẽ hoan nghênh việc này.

"Tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron trước khi trưng cầu dân ý qua đó ông lên tiếng về quan điểm của Nga không có cơ sở thực tế", ông Putin nói với các phóng viên tại Tashkent. "Tôi cho rằng đó chẳng qua là một nỗ lực không đúng cách nhằm gây ảnh hưởng dư luận trong nước."

Ông Putin nói: "Không ai có quyền khẳng định điều gì về quan điểm của Nga," và rằng "điều đó không có gì khác hơn là một biểu hiện trình độ văn hóa chính trị thấp."