Lãnh đạo Hong Kong: ‘Luật an ninh là làn ranh đỏ’

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại một cuộc họp báo trước khi luật an ninh được ban hành. Ảnh chụp tại Hong Kong ngày 30/6/2020. REUTERS/Tyrone Siu

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm thứ ba 7/7 lên tiếng bênh vực luật an ninh quốc gia, đồng thời tìm cách xoa dịu cảm giác bất an về đạo luật vừa được ban hành, nói rằng đạo luật an ninh không báo hiệu một kịch bản u ám như nhiều người lo sợ, trong khi giới chỉ trích cho rằng luật an ninh có thể trấn áp các quyền tự do vốn là yếu tố đã giúp củng cố sự thành công của Hong Kong trong vai trò một trung tâm tài chính của thế giới.

Đạo luật này nhằm trừng phạt bằng các bản án tù, nặng nhất là tù chung thân đối với các tội danh mà Bắc Kinh cho là ly khai, lật đổ, khủng bố hay thông đồng với các lực lượng nước ngoài,.

Các quan chức Hong Kong và Trung Quốc nói đạo luật an ninh là thiết yếu để trám các lỗ hổng an ninh đã bị phơi bày khi chính quyền Hong Kong thất bại, không thông qua được luật riêng của đặc khu theo Luật cơ bản, được coi như tiểu hiến pháp của Hong Kong.

Chiều tối thứ Hai, Hong Kong công bố chi tiết về cách thực thi luật an ninh mới, phác thảo quyền lực của cảnh sát đối với việc sử dụng mạng internet, bao gồm quyền yêu cầu những người đăng xóa thông tin được coi là ‘mối đe dọa đối với an ninh quốc gia’.

Không tuân thủ, các công ty Internet và nhân viên của họ có thể đối mặt với án phạt lên đến một năm tù, và cảnh sát có thể tịch thu các thiết bị của họ. Các công ty internet còn được trông đợi phải cung cấp chi tiết về người dùng, và tiếp tay giải mã các thông tin đã bị mã hóa.

Bà Carrie Lam nói các trường hợp có sự tham gia của các đặc vụ của đại lục sẽ ‘rất hiếm’, nhưng bà nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia là ‘làn ranh đỏ’, mà không ai nên vượt qua.

Giới chỉ trích nói mục đích của đạo luật an ninh là dập tắt phong trào đòi dân chủ đã dẫn tới các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái.

Các nhà hoạt động và các chính phủ phương Tây chỉ trích đạo luật này là làm sói mòn các quyền tự do được bảo đảm dưới nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã đạt được khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.

Bà Lam nói bà không thấy sợ hãi lan rộng và luật an ninh sẽ khôi phục lại thành phố này như một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi năm ngoái.

Những bất chấp lời trấn an của bà Lam, luật an ninh mới đã có hệ quả tức thời.

Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong, giữa, tham gia đêm thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989 tại Công viên Victoria ở Hong Kong, ngày 4/6/2020.


Ngay từ lúc luật có hiệu lực, các nhà hoạt động dân chủ như Joshua Wong đã giải tán tổ chức của họ, nhiều người khác đã rời bỏ Hong Kong.

Các cửa hàng loại bỏ các sản phẩm liên quan đến biểu tình và các thư viện công cộng loại bỏ một số sách được coi là ủng hộ phong trào dân chủ.

TikTok, một ứng dụng video thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết sẽ rút ra khỏi thị trường Hong Kong trong vài ngày tới.

Canada đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tối hôm thứ Hai cho hay Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, kể cả TikTok, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các công ty đó không thể cưỡng lại các đói hỏi của chính quyền Trung Quốc.

Dù đã tìm cách khẳng định sự độc lập của mình trước Trung Quốc, TikTok vẫn bị cấm ở Ấn Độ.

Facebook Inc, công ty sở hữu WhatsApp và Instagram, cùng với Google và Twitter, đã ngưng cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền ở Hong Kong.

Quyền giải thích luật nằm trong tay chính quyền Hoa lục, vốn bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích về các vụ giam cầm và mất tích tùy tiện.

Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát các quan điểm bất đồng và thắt chặt kiểm duyệt. Tin cho hay chính quyền đã tung ra một lực lượng đặc nhiệm để tăng cường kiểm soát chính trị và duy trì ổn định xã hội.

Tin này được công bố vào ngày giáo sư Xu Zhangrun, Giáo sư dạy luật tại một trường đại học uy tín ở Bắc Kinh, bị chính quyền bắt. Giáo sư Xu từng thẳng thắn phê bình Đảng Cộng sản và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trả lời câu hỏi về tự do truyền thông, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam nói ‘nếu các phóng viên có thể bảo đảm họ sẽ không vi phạm luật mới, thì bà có thể bảo đảm họ sẽ được phép tự do hành nghề’.

Trưởng đặc khu Hong Kong khẳng định:

“Thời gian và sự thật sẽ chứng minh rằng luật an ninh không làm suy yếu các quyền tự do và các quyền con người.”