Lên chùa làm thuốc cứu người

Your browser doesn’t support HTML5

Ở Việt Nam, người ta hay nói rằng thời buổi kinh tế thị trường, bệnh nhân nghèo trĩu nặng mặc cảm bị hắt hủi. Rất may là vẫn còn có những phòng chẩn trị nam y hảo thí của hệ phái Tịnh độ Phật giáo.

Những Phật tử tuổi xế bóng ở tỉnh lỵ Sa Đéc của miền Tây Nam Bộ, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tự nguyện đến chùa Hưng Trung, với công việc sơ chế thuốc nam.

Ông Bảy, một người dân cố cựu nói rằng người sáng lập ra những phòng chẩn trị nam y hảo thí là Đức Tông sư Minh Trí:

“Hồi này đó…, hồi đó có ông thầy thuốc, ông cùng đệ tử về đây đâu có cái chùa gì đâu. Mua cái nhà, nhà mới giở cất đây đó. Mua cái nhà cổ vậy đó dìa rồi ổng sửa thành cái chùa, để hốt thuốc Nam… Ra đời có cái di tích mà mình nhớ hổng được, nhưng mà năm nay chửa tới một trăm năm, cũng cở 80, 90 năm.

Đức tôn sư này ổng ở Rạch Giông, ổng có vợ, có con. Nhưng cái lúc thời gian ngài đi tu, đi bán khoai lang này kia, xuống tới Cà Mau, Bạc Liêu đó, ngài mới tập người ta niệm Phật, hốt thuốc Nam. Rồi bắt đầu từ ở dưới ổng quy y”.

Ông Phạm Văn Thương, tiếp lời:

“Hàng ngày lợi tới đây rồi làm như tất cả các cô bác, anh em tới đây. Giờ mình hổng có gì, giờ mình lớn tuổi rồi, mình hổng có làm được gì cho ai nỗi hết trơn, giờ mình kiếm công đức vậy thôi chớ… thì mình ráng mình làm để mà có phước đức về sau thôi”.

Với phương châm hành đạo là Phước Huệ song tu. Hệ phái Tịnh độ đã xây dựng nhiều phòng thuốc nam để chữa bệnh miễn phí giúp cho người nghèo. Nguồn dược liệu trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân được cung cấp từ nhiều nhà hảo tâm bên ngoài chùa. Dược thảo mộc mạc đa sắc, tỏa mùi thơm thiên nhiên dìu dịu. Kho thuốc treo bảng nội dung đề cao kho tàng di sản y dược học dân tộc, trên đó dán nhãn tên từng vị thuốc.

Ông Bảy kể rất nhiều người đến đây hốt thuốc:

“Ở đâu người ta cũng lợi, nếu cần thì người lợi đông, có thể đông lắm… Bị lúc đó thì chỉ có ở đây thôi, chứ các chỗ chửa có thuốc Nam. Đây ra đời trước. Ai muốn hốt thì hốt, nhưng nghỉ ngày Chủ nhật. Chủ nhật nghỉ. Còn châm cứu ngày rằm nghỉ, hổng chăm. Làm buổi sáng, hết buổi sáng thôi, buổi chiều nghỉ. Buổi chiều để vô thuốc đồ, vô hộp, để y sĩ làm”.

Ông Phạm Văn Thương kể rằng nguồn dược liệu toàn được bá tánh phụng cúng:

“Có chỗ người ta trồng cả công đất, người ta lợi người ta cho mình đó. Cho chùa này, chùa kia vậy đó. Tiếp tục cho hết, rồi đợt khác người ta có, người ta cho mình nữa. Trên An Giang xuống cũng cho nữa. Này kia vậy đó, người ta biết mình xài thuốc, mấy người có tâm thiện đó, người ta trồng thuốc người ta cho, với có người, người ta đi kiếm, người ta cho nữa. Thành ra mới có nguồn thuốc xài, chứ ở đây đâu có trồng. Đất ruộng, đất chợ đâu có trồng được”.

Những Phật tử làm công quả nơi đây nói rằng ông bà ta ngày xưa chỉ dùng toàn thuốc nam mà sống khỏe mạnh, sinh con đàn cháu đống. Tâm thành dược linh. Người bệnh có tấm lòng thành tin tưởng thuốc nam thì hết bệnh. Thuốc chùa gửi gắm tình thương của cư sĩ lương y, cư sĩ trợ y, cư sĩ dược tá và những Phật tử công quả. Nam y hảo thí của chùa Hưng Trung trị bệnh cho người nghèo thể hiện y đức cao cả. Nơi đây còn kế thừa phát huy di sản y học cổ truyền để không bị mai một.