Lệnh ngừng bắn được thực thi tại thủ đô Nam Sudan

Khói bốc lên ở Juba, Nam Sudan, ngày 10/7/2016.

Một lệnh ngừng bắn mong manh được hai nhà lãnh đạo kình chống nhau kêu gọi có dấu hiệu được tuân thủ tại thủ đô Juba của Nam Sudan hôm thứ Ba, sau 4 ngày giao tranh bằng đạn pháo và súng ống khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người thất tán.

Lệnh ngừng bắn, được Tổng thống Salva Kiir và đối thủ lâu năm của ông là Phó Tổng thống thứ Nhất Riek Machar kêu gọi, được hoan nghênh bởi người dân đã quá mệt mỏi với chiến tranh và các chính phủ nước ngoài đang lo sợ là quốc gia châu Phi ra đời sau cùng này đứng trước nguy cơ rơi lại vào cuộc nội chiến tàn khốc.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra thận trọng khi một người phát ngôn ghi nhận các tin tức nói rằng ngoài những tiếng súng lẻ tẻ tại một số nơi ở Juba, còn phần lớn thì tương đối yên tĩnh. Người phát ngôn John Kirby nói với các phóng viên báo chí rằng ông chưa thấy cần phải di tản đại sứ Mỹ, bất chấp việc được ông mô tả là “ra đi trong trật tự” của các nhân viên không có nhiệm vụ mang tính khẩn cấp của sứ quán Mỹ.

Hội đồng Tị nạn Na Uy đã đưa hàng cứu trợ và hỗ trợ cho thường dân di tản chiến tranh ở Juba, nhưng nhóm này, cũng như các cơ quan cứu trợ khác, đã phải ngưng các hoạt động của họ vì bạo động.

Giám đốc Hội đồng Tị nạn Na Uy, ông Victor Moses nói: “Nếu lệnh ngừng bắn không được thực thi, tình trạng nhân đạo vốn đã ở mức trầm trọng sẽ còn trở nên tệ hại hơn. Chúng tôi cần có đường vào an toàn để giúp cho những người đang cần thực phẩm, nước và chỗ trú, hoặc là Nam Sudan sẽ bị cuốn vào một vòng bạo động khó khăn và khốc liệt nữa.”

Giao tranh giữa các lằn tranh chủng tộc ban đầu nổ ra hôm thứ Năm tuần giữa các binh sĩ trung thành với Tổng thống Kiir với những người trung thành với Phó Tổng thống Machar. Các cuộc giao tranh kéo dài ba ngày, để lại cảnh đổ nát và người dân phải cam chịu lần đầu tiên kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến vào năm 2015.

Trên đường phố Juba hôm thứ Ba, người đi mua hàng tìm kiếm thực phẩm tại khu chợ trung tâm thành phố tìm thấy cảnh thất vọng: các cửa hàng bị cướp phá, hôi của, và giá cả những thực phẩm khan hiếm tăng đột biến.