LHQ lên án vụ ám sát lãnh tụ đối lập Burundi

Những người đàn ông khiêng quan tài của lãnh tụ đối lập Zedi Feruzi ở Bujumbura, Burundi, ngày 24/5/2015.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ sát hại một lãnh tụ đối lập ở Burundi. Cái chết của nhân vật này gây phương hại các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Burundi thông qua các cuộc thương lượng do Liên hiệp quốc tài trợ.

Ông Zedi Feruzi thuộc đảng Liên đoàn Hòa bình và Phát triển được an táng vào Chủ Nhật, một ngày sau khi ông cùng người cận vệ bị bắn chết ở thủ đô Bujumbura.

Trong thông cáo tối Chủ Nhật, Hội đồng Bảo an lên án vụ ám sát này và một vụ tấn công chết người khác ở Bujumbura hồi tuần trước. Hội đồng kêu gọi giới hữu trách tìm cách ngăn chặn tình hình bạo lực và tôn trọng các quyền tự do bày tỏ tư tưởng và tự do hội họp.

Hội đồng cũng thúc giục các nhân vật lãnh đạo tham gia các cuộc thương thuyết chính trị. Tuy nhiên, trước đó trong ngày Chủ Nhật, lãnh tụ đối lập Frederick Bamvuginyumvira tuyên bố rằng đảng của ông không thể tiếp tục đàm phán với chính phủ.

Ông Bamvuginyumvira nói: "Không thể. Chúng tôi đã quyết định rời bỏ các cuộc thương thuyết vì chẳng có tác dụng gì, việc cấp bách nhất là ngưng tình trạng chết chóc đang diễn ra và các cuộc ám sát có tổ chức nhắm vào các lãnh đạo đối lập."

Một phát ngôn nhân của một đảng đối lập khác cho biết không thể bảo đảm người biểu tình chống chính phủ sẽ tiếp tục ôn hòa.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ ám sát ông Feruzi và thúc giục tất cả các bên ngưng bạo động và cùng nhau giải quyết khủng hoảng.

Chính quyền Burundi đã dùng võ lực trấn áp người biểu tình chống chính phủ, những người tuần hành phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza sau khi ông loan báo sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử vào tháng sau.

Những người chỉ trích cho rằng việc này vi hiến và vi phạm giới hạn hai nhiệm kỳ Tổng thống.

Ông Nkurunziza một mực khẳng định có quyền tranh cử thêm lần nữa vì trong nhiệm kỳ đầu vào năm 2005 ông được Quốc hội bầu chọn chứ không phải là dân bỏ phiếu.

Kế hoạch duy trì quyền lực thêm 5 năm nữa của Tổng thống Nkurunziza đã đẩy Burundi vào cuộc khủng hoảng tệ hại nhất kể từ sau thỏa thuận hòa bình năm 2006 kết thúc hơn một thập niên nội chiến.

Cách đáp ứng bạo lực của chính quyền đối với các cuộc biểu tình đã làm thiệt mạng hơn 20 người, gây ra một cuộc đảo chính bất thành, và khiến trên 100.000 người Burundi bỏ chạy sang các nước láng giềng tìm nơi an toàn.

Ngoài tình trạng bạo động, cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho hay một đợt bùng phát dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 31 người tị nạn Burundi gần Hồ Tanganyika ở Tanzania. 3.000 người khác đang bị dịch hoành hành. Thuốc men và nước sạch đang được tiếp tế.