Liên Hiệp Quốc nói nạn buôn người gia tăng ở Pakistan

Người di cư đi tới các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia sử dụng hộ chiếu hợp lệ rồi sau đó lên những chiếc tàu nhỏ và thô sơ để bắt đầu cuộc hải trình bất hợp pháp đến Australia

Một nghiên cứu mới của Liên Hiệp Quốc cho biết nạn buôn người từ và đi qua Pakistan đã gia tăng trong năm qua. Nghiên cứu cho biết thêm rằng phần lớn công dân Pakistan và Afghanistan tìm cách di cư trái phép bằng đường biển tới các nước như Australia là những cộng đồng tôn giáo hay sắc dân thiểu số, chẳng hạn như người Shia Hazara thoát thân vì bị bức hại ở nhà. Giới chức LHQ khám phá rằng mạng lưới buôn bán trong nước cũng đưa đẩy người Pakistan tham chiến ở các nước như Syria và Ai Cập.

Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết trong nghiên cứu của họ công bố hôm thứ Năm rằng, những mạng lưới buôn lậu người ở Pakistan "có tổ chức hơn và tinh vi hơn", xúi giục không chỉ dân địa phương mà còn cả dân từ các nước trung đông sử dụng Pakistan như một điểm trung chuyển cho hoạt động di cư bất hợp pháp.

Nghiên cứu nói việc đàn ông Pakistan được đưa lậu sang châu Âu để lao động cưỡng bức là mối lo ngại ngày càng rõ ràng, và một con số ngày càng tăng những người di cư bất hợp pháp bị phát hiện sử dụng giấy tờ du hành hợp pháp nhưng có được nhờ gian lận.

Giám đốc quốc gia của UNODC Cesar Guedes cho biết phần lớn những người di cư là từ những nơi kinh tế bị suy thoái hay thường xảy ra bạo lực của Pakistan, những nơi họ không thấy bất kỳ hy vọng nào. Ông nói:

"Chúng tôi thấy có xu hướng đó ở Baluchistan, đặc biệt là một số cộng đồng sắc dân hay tôn giáo thiểu số cảm thấy họ không thể ở lại thêm được nữa. Vì vậy, họ hoặc di cư trong nước hoặc những người mạo hiểm hơn thì sẽ cố vượt biên."

Tỉnh Baluchistan đầy bất ổn của Pakistan đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực giáo phái nhắm vào cộng đồng thiểu số Hazara, là người Hồi giáo Shia.

Bạo lực đã buộc người Hazara rời Pakistan và hầu hết trong số họ cố gắng di cư bất hợp pháp đến Australia bằng những chuyến hải hành cực kỳ nguy hiểm.

Nghiên cứu của LHQ nói rằng việc Australia chấp nhận đơn xin tỵ nạn ở mức cao cho thấy những chuyến tàu bất thường chở người Pakistan và Afghanistan tới Australia có lý do rời nước chính đáng và thuyết phục. Ông Guedes nói rằng người di cư đi tới các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia sử dụng hộ chiếu hợp lệ rồi sau đó lên những chiếc tàu nhỏ và thô sơ để bắt đầu cuộc hải trình bất hợp pháp đến Australia. Ông Guedes nói tiếp:

"Nhiều trong số những con tàu bất hợp pháp đó đã không qua nổi vùng biển Ấn Độ Dương sóng to gió lớn giữa Indonesia và lãnh thổ Australia. Đó là câu chuyện kịch tính và buồn thảm mang bộ mặt con người. Những vùng nước đó có lẽ là một trong những nghĩa trang biển lớn nhất thế giới cho những người bị buôn bán hoặc đưa lậu."

Ông nói các nhà nghiên cứu của UNODC cũng khám phá ra thông tin rằng, mạng lưới buôn lậu người ở Pakistan có nhúng tay vào việc tuồn công dân Pakistan trẻ tuổi ra khỏi nước để tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài. Ông nhận xét:

"Chắc chắn có yếu tố những kẻ buôn lậu tìm cách tuyển mộ những người trẻ tuổi nhiệt huyết vì những lý do sai trái và rồi những thanh niên này phải trả giá bằng mạng sống của họ ở những nơi khác trên thế giới, trong những cuộc xung đột không dính dáng gì đến họ."

Ông kêu gọi Pakistan tăng cường luật pháp và nỗ lực ngăn chặn để giảm thiểu tình trạng buôn người từ trong nước.

Trưởng Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan, ông Saud Mirza, cho biết một cuộc trấn áp hồi gần đây đã được triển khai để nhổ tận gốc những mạng lưới buôn người và nhiều người cũng đã bị bắt giữ. Nhưng ông ngần ngại không thừa nhận viên chức trong cơ quan của ông có liên hệ đến các nhóm buôn lậu người. Ông Mirza nói:

"Chúng tôi cũng tích cực nhắm mục tiêu vào những viên chức di trú tham nhũng. Không những chúng tôi tiến hành xử lý họ ở cấp cơ quan mà trong nhiều trường hợp còn lập hồ sơ hình sự đối với họ."

Trưởng Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan cũng cho biết rằng kiểm soát biên giới đang được thắt chặt, đặc biệt là với Iran, ngả đường chính cho những kẻ buôn lậu người.

Nghiên cứu của UNODC ước tính hoạt động kinh tế bất hợp pháp liên quan đến loại tội ác này ở Pakistan trị giá hơn 109 triệu USD một năm.