Lo ngại về thái độ ngưỡng mộ Putin của TT Trump

Ông Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Bill O'Reilly, đài Fox, khi còn là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, 6/11/2015.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền, một số nhà lập pháp Mỹ và nhiều tướng lãnh hồi hưu và cựu đại sứ Mỹ nói họ quan tâm về chuyện Tổng thống Trump luôn luôn bênh vực Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Fox hôm Chủ nhật vừa rồi ngay trước trận Bóng đá Super Bowl, ông Trump tái khẳng định lòng tôn trọng mà ông dành cho ông Putin. Khi người hướng dẫn chương trình Bill O’Reilly thách thức ông Trump, mô tả ông Putin là “một kẻ sát nhân”, ông Trump trả lời: “Chúng ta có rất rất nhiều kẻ sát nhân. Ông nghĩ gì? Đất nước chúng ta ‘vô tội’à?”

Điện Kremlin đòi đài Fox xin lỗi về những phát biểu mà họ gọi là “đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được”. Ông O’Reilly gạt đòi hỏi đó sang một bên, vào đêm thứ Hai ông nói rằng Nga “cứ việc tham gia chương trình của tôi vào khoảng 20:23”

Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump đã dùng trang Twitter để nói rằng ông không biết ông Putin và không có làm ăn gì tại Nga.

Ông Trump tuyệt đối không nói bất cứ điều gì tiêu cực về ông Putin trong suốt chiến dịch tranh cử, và nhiều lần trả lời những câu hỏi về Tổng thống Nga bằng cách nói rằng nếu ông có quan hệ tốt với ông Putin cùng lúc với các nhà lãnh đạo thế giới khác, thì đó là một điều tích cực, chứ không phải là một điều tiêu cực.

Đồng Giám Đốc chương trình Mỹ của Tổ chức Human Rights Watch, bà Maria McFarland, nói với VOA hôm thứ Hai rằng bà lấy làm lo ngại về phát biểu của ông Trump về Nga.

Bà nói lời bình luận của ông Trump “thật là lạ lùng về nhiều mặt. Nhưng chủ yếu là ông Trump đã và đang cố tình làm giảm nhẹ tầm quan trọng của tình trạng nhân quyền tệ hại của chính quyền Nga.” Bà nói trong mấy năm gần đây, ở Nga đã có một chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp giới chỉ trích và xã hội dân sự. Cùng lúc Nga đã phạm nhiều tội ác chiến tranh ở Syria.

Bà McFarland nói:

“Đó là những tội ác đáng ghê sợ. Hoa Kỳ phải lên án các tội ác đó, và Tổng thống Trump lẽ ra không nên đùa cợt hay giảm tầm nghiêm trọng của các tội ác đó.”

Bà nói thật đáng quan tâm khi ông Putin đôi khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin, và cùng lúc hết lời đả kích truyền thông Mỹ, ngay cả chỉ trích cả các toà án Mỹ, khiến cho người ta đặt nghi vấn về sự cam kết của cá nhân ông đối với các tiến trình dân chủ của Mỹ, và việc quy trách nhiệm đúng đắn cho những ai vi phạm”.

Lên tiếng trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Phó Tổng thống Mike Pence bác bỏ ý kiến cho rằng ông Trump đã mang Hoa Kỳ ra so sánh với Nga.

Thủ lãnh khối đa số Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell nói ông không muốn chỉ trích “mọi lời nói mà Tổng thống Trump thốt ra.” Nhưng ông lưu ý rằng ông Putin là một cựu điệp viên KGB, và là một “kẻ côn đồ.”

Ông McConnell nói “Người Mỹ chúng ta không hành sử như người Nga, dù dưới bất cứ cách nào.”

Một số nhà lập pháp của cả hai đảng mạnh mẽ đả kích ông Trump là đã không phản bác ông Putin mà thay vào đó còn có ý nói rằng Hoa Kỳ cũng có “những kẻ giết người.”

Tướng hồi hưu Barry McCaffrey phản ứng quyết liệt trước phát biểu của ông Trump trên đài MSNBC.

“Người ta có thể lập luận rằng lời bình luận của ông Trump là phát biểu chống Mỹ nặng nề nhất từng được nghe từ một Tổng thống Hoa Kỳ. Mang các giá trị Mỹ ra so sánh lẫn lộn với Putin, là kẻ đang cai trị một chế độ trung ương tập quyền tội phạm.”

Một số chuyên gia về Nga lưu ý rằng dưới chế độ Putin, một số thủ lãnh đối lập và ký giả chỉ trích ông đã bị ám sát, kể cả thủ lãnh đối lập Boris Nemtsov, lãnh tụ đối lập Nga hiện nay là Vladimir Kara Murza thì đã nhập viện tuần trước, và hôm thứ Hai xét nghiệm dương tính về một chất độc. Cách đây 2 năm, ông Murza đã thoát mạng sau một vụ dầu độc.

Ông Michael McFaul là đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2012 đến năm 2014. Ông nói ông không hiểu được vì sao ông Trump nhất mực bênh vực ông Putin, một lối giải thích có lẽ là vì ông muốn cải thiện quan hệ với Moscow. Nhưng đáng lo ngại hơn là một lối lý giải khác, là ông Trump thực sự ngưỡng mộ các chính sách của ông Putin và những ý kiến của nhà lãnh đạo Nga trong việc đối phó với báo chí và giới bất đồng.

Mặc dù các định chế dân chủ ở Hoa Kỳ vững chắc hơn nhiều so với các định chế tương tự ở Nga, song ông kêu gọi người Mỹ chớ bàng quang, mà hãy đứng dậy, phản đối bất cứ bước nào - dủ nhỏ đến đâu, tiến tới một thể chế độc tài.