Lựa chọn Kamala Harris đem lại lợi thế gì cho ông Biden?

Bà Kamala Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên được chọn vào một liên danh ứng viên tổng thống Mỹ

Bà Kamala Harris, ứng viên phó Tổng thống của Đảng Dân chủ, được cho là sẽ giúp hàn gắn lại nước Mỹ đang chia rẽ, tập hợp thế giới đi theo giá trị Mỹ để chống lại Trung Quốc độc tài nhưng những lập trường của bà về di dân, về cải cách trong ngành cảnh sát khiến người ta quan ngại, hai cử tri gốc Việt tại Mỹ, một người độc lập và một người theo Dân chủ, nói với VOA.

Thượng nghị sĩ liên bang Kamala Harris, vốn là một trong các ứng viên tham gia vòng tranh cử sơ bộ bên Đảng Dân chủ cùng với ông Joe Biden, đã được ông Biden chính thức chọn vào liên danh trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Bà Harris sinh ra trong một gia đình di dân đa sắc tộc, bên ngoại gốc Ấn Độ và bên nội gốc Jamaica. Bà là phụ nữ gốc Á-Phi đầu tiên ở Mỹ được chọn làm ứng viên phó Tổng thống của một đảng lớn. Trước khi làm thượng nghị sĩ, bà từng là giới chức tư pháp cao nhất của bang California.

Lựa chọn khôn ngoan

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, một nhà hoạt động xã hội dân sự trong cộng đồng người Việt ở tiểu bang Virginia, ca ngợi quyết định của ông Biden là ‘lựa chọn tốt nhất vào thời điểm này’.

“Nói là hoàn hảo thì không hoàn toàn đúng, nhưng đó là lựa chọn tốt nhất trong số 13 ứng viên mà ông Biden có,” bà Giao, người tự nhận là cử tri độc lập và sẽ bỏ phiếu cho đảng nào quan tâm đến ‘thiên nhiên-nhân quyền-dân quyền’, nói với VOA.

Theo nhìn nhận của bà Giao, bà Harris ‘hội đủ các điều kiện để làm phó Tổng thống’ và là ‘sự bổ khuyết cho ông Joe Biden’.

Bà Giao nêu ra các dẫn chứng rằng sự tự tin của bà Harris lúc ra tranh cử làm ứng viên Tổng thống bên Đảng Dân chủ ‘ngang ngửa với ông Biden’, nguồn gốc đa sắc tộc giúp bà tập hợp các sắc dân thiểu số ở Mỹ, kinh nghiệm làm việc trong ngành tư pháp giúp bà ‘có kiến thức và chuyên môn mạnh mẽ về tư pháp và công lý’.

Sự vươn lên bước vào chính trường Mỹ của bà Harris từ nguồn gốc một gia đình di dân được cho là sẽ giúp bà trở thành tiếng nói đối chọi mạnh mẽ với lập trường bài di dân của chính quyền Donald Trump.

Cha mẹ của bà Harris gặp nhau khi họ theo học chương trình sau đại học ở Đại học California ở Berkely và cả hai tìm được sự đồng cảm trong phong trào tranh đấu cho dân quyền trong trường đại học. Sau khi Harris ra đời, bà được cha mẹ đem theo trên xe nôi để tham gia vào các cuộc biểu tình.

“Ông Joe Biden đã 78 tuổi, 4 năm nữa đã 82 tuổi thì không biết sức khoẻ sẽ như thế nào nên mọi người sẽ an tâm hơn khi thấy có bà Harris bên cạnh ông Biden,” bà Giao giải thích khi cho rằng độ tuổi của bà Kamala Harris là sự bổ khuyết cho ông Biden.

“Bà Harris khá là trẻ, mới có 55 tuổi, nhiều sức sống. Bà ấy sẽ thu hút sự ủng hộ của các cử tri trẻ.”

‘Thiếu kinh nghiệm đối ngoại’

Tuy nhiên, bà Giao cho rằng bà Harris ‘thiếu kinh nghiệm đối ngoại’ vì chưa từng kinh qua vị trí nào liên quan đến đối ngoại.

Trong khoảng thời gian làm Ủy viên Công tố Quận ở San Francisco và Tổng chưởng lý California từ năm 2004 cho đến 2017, bà Harris ít khi thể hiện quan điểm về Trung Quốc. Kể từ khi đánh bại bà Loretta Sanchez để giành ghế thượng nghị sĩ của bang California năm 2017, bà Harris đã nhiều lần lên tiếng về Trung Quốc từ vấn đề nhân quyền tới vấn đề ‘đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ,’ ‘đưa hàng hóa dưới chuẩn đến Mỹ’ nhưng bà không đồng tình với việc chính quyền Trump đánh thuế Trung Quốc với lý do rằng thuế quan ‘phản tác dụng’ và ‘gây hại cho người Mỹ’.

Nguồn gốc Ấn Độ của bà Harris, theo bà Ngọc Giao, sẽ càng giúp ích cho Mỹ trong nỗ lực kết thân với Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc.

Mặc dù bà Harris, trong tư cách thượng nghị sĩ, từng kêu gọi cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng, theo bà Giao, điều này ‘không phải là mấu chốt trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc’.

“Trong một quan niệm bảo vệ giá trị Hoa Kỳ về nhân bản, dân quyền và tôn trọng luật pháp thì đương nhiên nó đã đối chọi rất mạnh mẽ với sự vô thần, vô nhân và độc tài đảng trị của Trung Quốc rồi,” bà Giao lý giải.

Ngoài những vấn đề nhân quyền và thương mại, bà Harris cho rằng Washington cần sự hợp tác của Bắc Kinh để xử lý biến đổi khí hậu cũng như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Không nên khuyến khích di dân bất hợp pháp

Dù cùng quan điểm với bà Giao trong tin tưởng rằng nguồn gốc đa sắc tộc của bà Kamala Harris ‘là điều phấn khởi cho những người da màu’, trong đó có cộng đồng gốc Việt, nhưng ông Từ Đức Tháo, chủ tịch cộng đồng người Việt ở thành phố Portland, bang Oregon, cho biết ông không đồng ý với quan điểm chính trị của bà Harris trong việc ‘tạo điều kiện cho di dân bất hợp pháp, giảm ngân sách cho cảnh sát và ủng hộ tự do phá thai’.

“Nếu vì lý do nhân đạo thì tùy trường hợp chính phủ nên giúp cho di dân bất hợp pháp một mức độ nào đó về chăm sóc sức khỏe nhưng không cho tất cả các di dân bất hợp pháp quyền được chăm sóc sức khỏe,” ông giãi bày. “Như vậy chẳng khác nào khuyến khích người ta tiếp tục di cư bất hợp pháp đến Mỹ.”

Về việc cắt giảm ngân sách cho cảnh sát, ông Tháo nói: “Khi bị cắt giảm ngân sách thì cảnh sát không còn đủ mạnh nữa, không còn đủ tiền để trang trải cho các hoạt động. Khi đó có thể hoạt động bảo vệ an ninh cho toàn thể người dân trên khắp nước Mỹ sẽ không được như xưa.”

Thành phố Portland nơi ông Tháo ở là nơi diễn ra các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua, có lúc biến thành bạo loạn, đòi quyền bình đẳng cho người da màu khởi phát từ vụ một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd bị thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis hồi tháng 5.

Khi phục vụ trong lĩnh vực tư pháp ở California, bên cạnh thành tích, bà Harris cũng có những quyết định gây tranh cãi, chẳng hạn như khi bà không muốn quy án tử hình cho thủ phạm sát hại một viên cảnh sát San Francisco hồi năm 2004. Nhiều nhà hoạt động dân sự cũng chỉ trích bà Harris đã ‘không làm đủ để điều tra vụ cảnh sát nổ súng vào hai người da đen hồi năm 2014 and 2015’.

Trong số những quyết định được ủng hộ có việc bà cho công khai các dữ liệu về tư pháp hình sự ở tiểu bang California cho công chúng theo dõi. Dữ liệu này giúp nâng cao tính giải trình của cảnh sát bằng cách thu thập thông tin về những trường hợp tử vong và thương tật khi bị giam giữ trong đồn cảnh sát.

Riêng đối với phá thai, điểm mà các cử tri Cộng hòa phản đối mạnh mẽ, ông Tháo cho rằng ‘tùy trường hợp nên cho phá thai’ nhưng ‘không thể cổ súy cho phá thai tự do như quan điểm của bà Kamala Harris’.

Tuy nhiên, ông Tháo tán đồng quan điểm của bà Harris về chăm sóc sức khoẻ toàn dân theo kiểu Obamacare ‘là điều tốt’ và ủng hộ lập trường cắt giảm quốc phòng của bà Harris, nói rằng việc này sẽ giúp chính phủ Mỹ có thêm ngân sách để chăm lo cho vấn đề an sinh xã hội và sức khỏe cho người dân.

Bản thân ông Tháo nói nếu ông bầu cho Đảng Dân chủ thì ông hy vọng nếu chiến thắng ông Biden sẽ ‘có những điều chỉnh đối với bà Harris để bà đi theo hướng tốt đẹp hơn’.