Malaysia muốn tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại cuộc họp báo ở Menara Yayasan Selangor, Pataling Jaya, Malaysia, ngày 12/5/2018.

Malaysia và Trung Quốc đang tìm cách tái cân bằng các mối quan hệ vào lúc tân chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohammad mưu tìm việc tái thương thuyết nhiều tỉ đô la chi phí hạ tầng cơ sở do Trung Quốc hỗ trợ, với mục đích giảm bớt nợ quốc gia.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào Malaysia với hơn 3,38 tỉ đô la, (hơn cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore) với những thỏa thuận chính yếu về hạ tầng cơ sở được thương lượng với chính phủ trước đây của ông Najib Razak.

Giáo sư chính trị học Carl Thayer thuộc Trường đại học New South Wales, Australia, nói Malaysia đang tìm cách vượt qua những lời lẽ ngấm ngầm chống Trung Quốc trong những cuộc bầu cử ngày 9/5 vừa qua.

Giáo sư Thayer nói trong cuộc vận động tranh cử, đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia là một đề tài, giữa những quan ngại là Malaysia nợ Trung Quốc quá nhiều.

Ông Thayer nói: “Tuy nhiên, Thủ tướng Mahathir kể từ khi bầu cử đã tuyên bố trên căn bản là những thỏa thuận hiện hữu sẽ vẫn tồn tại đối với bất cứ quốc gia nào, nhưng sẽ duyệt xét lại những thỏa thuận với Trung Quốc. Và dự án quan trọng là Đường ray nối liền bờ đông được xem như là vô giá trị nhưng tốn rất nhiều tiền và không thực sự mang lại lợi ích nào cả.”

Đường ray nối liền bờ Đông là một phần quan trọng của sáng kiến hạ tầng cơ sở của Bắc Kinh mang tên Vành đai Con đường xuyên qua Đông Nam Á dài 688 kilômét, nối liền Biển Đông với biên giới Thái Lan.

Tân chính quyền Malaysia nói những cuộc thương thuyết mới là một nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ quốc gia vào khoảng 251,32 tỉ đô la, hay 80% GDP.

Thủ tướng Mahathir thấy cần phải đánh giá lại những dự án và chiến lược đầu tư của Trung Quốc một cách tổng quát, nhất là các dự án lệ thuộc vào công nhân và nhân viên kỹ thuật nhập từ Trung Quốc.

Ông Mahathir nói với Đài VOA “Chúng tôi cần tìm hiểu xem chúng tôi được lợi những gì.”

Ông nói tiếp “Chúng tôi không muốn có một con số khổng lồ những di dân tại Malaysia. Một số công ty của Trung Quốc đã làm việc này. Đây không phải là đầu tư trực tiếp.”