Miền Nam Việt Nam và những Cơ hội bỏ lỡ: The Road Not Taken

Ông Edward Lansdale (ở giữa) và TT Ngô Đình Diệm (phải)

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) chiều ngày 27/2 vừa tổ chức một buổi hội thảo nhân dịp nhà nghiên cứu Max Boot giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông mang tựa đề “The Road Not Taken: Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam”. Tựa đề quyển sách, tạm dịch là “Con Đường Không chọn: Ed Lansdale và Tấn Bi kịch Mỹ tại Việt Nam”, tỏ ý hối tiếc về một cơ hội bị bỏ lỡ mà nếu theo đuổi, đã có thể dẫn tới một kết cuộc khác khả quan hơn, hoặc ít ra, ít đổ máu hơn, cho chiến tranh Việt Nam. Ông Max Boot là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, tác giả của nhiều đầu sách về an ninh quốc tế, và trong vài năm trở lại đây, đã viết nhiều biên khảo về chiến tranh du kích. Hoài Hương phỏng vấn tác giả Max Boot tại buổi hội thảo và tường trình như sau:

Đối tượng của quyển sách “The Road not Taken” là Edward Lansdale, Cố vấn Mỹ và là một người bạn được Tổng thống Ngô Đình Diệm tin cậy. Có mặt tại miền Nam từ giữa thập niên 1950 trong giai đoạn đầu của nền Đệ nhất Cộng Hòa, ông Lansdale giữ một vai trò quan trọng, có tính cách quyết định đối với vận mệnh miền Nam Việt Nam. Với cấp bậc Đại tá Không quân, ông Lansdale là Trưởng Phái bộ Quân sự Đặc biệt của Mỹ (SMM) tại Saigon, người chủ trương tranh thủ “trái tim và khối óc” của người dân như một chiến lược để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Edward Lansdale là ai?

Được thăng quân hàm lên Trung Tướng vào năm 1961, ông Lansdale, theo lời tác giả Max Boot là “một tướng lãnh đã đóng một vai trò “khác thường, chưa từng thấy trong lịch sử không lực Mỹ hoặc bất cứ quân chủng nào khác”.

Đại tá Lansdale được cho là nguồn cảm hứng cho nhân vật trong cả tiểu thuyết “The Quiet American- Người Mỹ Trầm lặng” của Graham Greene, lẫn nhân vật chính trong “The Ugly American- Người Mỹ Xấu Xí” của William Lederer và Eugene Burdick.

Hầu như quyển sách nào về chiến tranh Việt Nam cũng nhắc đến ông với nhiều lời khen, chê…

Có rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại xung quanh cuộc đời sóng gió của Edward Lansdale, người được mệnh danh là “T.E. Lawrence of Asia”. Tác giả Max Boot dẫn lời một đối thủ của Tướng Lansdale tại Ngũ Giác Đài miêu tả về Lansdale: “hiếm có bất cứ ai mà tôi biết lại bị lên án nhiều hơn và cùng lúc, được ca tụng, nhiều hơn ông. Lịch sử sẽ phải ghi lại chân dung chân thực và vai trò của Lansdale.”

Max Boot, tác giả "The Road Not Taken"

Tác giả Max Boot nói tiếp:

“Đó chính là lý do tôi bắt tay vào việc. Tôi là tiếng nói của lịch sử và đã dành 5 năm vừa rồi của đời mình ra nghiên cứu cuộc đời của Edward Lansdale.”
Max Boot, tác giả quyển "The Road not Taken: Edward Lansdale and The American Tragedy in Vietnam"

"Đó chính là lý do vì sao tôi bắt tay vào việc. Tôi là tiếng nói của Lịch sử và đã dành 5 năm vừa rồi của cuộc đời mình ra nghiên cứu cuộc đời của Edward Lansdale."

Không như đa số các đồng nghiệp và đối thủ của ông sau này có trách nhiệm đề ra chính sách đối ngoại Mỹ, là những người thuộc thành phần ưu tú, hoặc thuộc các gia đình tài phiệt Phố Wall và theo học các trường danh giá nhất nước Mỹ, Edward Lansdale xuất thân từ một gia đình trung lưu, cha là một giám đốc điều hành trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi trong thời kỳ sơ khai của công nghiệp này.

Ra đời vào năm 1908 tại thành phố Detroit, Lansdale theo học báo chí tại UCLA nhưng bỏ ngang, và hoạt động trong ngành quảng cáo cho các thân chủ như công ty Levi-Strauss và Ngân hàng Wells Fargo. Ông gia nhập quân đội sau trận Trân Châu Cảng, và được Wild Bill Donovan, sáng lập viên của OSS, tiền thân của CIA, tuyển mộ vào tình báo quân sự.

Ông được điều sang Philippines để tìm cách phá vỡ một cuộc nổi dậy và chặn bước tiến của chủ nghĩa cộng sản. Để đạt mục tiêu, ông giật dây một cuộc phản cách mạng, hoàn toàn bứng gốc các thành phần nổi dậy qua một chiến lược quân sự vững chắc, một bộ máy cai trị tốt đẹp, kết hợp với những chiến dịch “tâm lý chiến” hữu hiệu. Trong vỏn vẹn 3 năm, Lansdale thành công trong sứ mạng giúp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Ramon Magsaysay, bạn ông, trở thành một nhà lãnh đạo được lòng dân, xứng đáng với chức vụ Tổng thống Philippines. Quan trọng không kém, ông tìm cách ảnh hưởng tới các quyết định ở Washington bằng cách thuyết phục các ký giả Mỹ viết những bài báo đại loại như “Ramon Magsaysay: người bạn tốt nhất của chúng ta ở Châu Á.”

“Hãy làm điều mà ông đã làm ở Philippines.”
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles

Phái Lansdale sang Việt Nam vào năm 1954, Ngoại Trưởng John Foster Dulles yêu cầu: “Hãy làm điều mà ông đã làm ở Philippines.”

Edward Lansdale là người có công trạng lớn trong các hoạt động chống nổi dậy của chính phủ Mỹ, ông đã thành công phần nào trong việc chặn làn sóng cộng sản chiếm trọn Việt Nam vào thập niên 1950 trong những ngày đầu Hoa Kỳ tham dự vào tình hình Việt Nam.

Ông đóng một vai trò thiết yếu trong việc tạo dựng và duy trì chế độ cai trị do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo tại miền Nam, và là người đề xuất học thuyết “tranh thủ con tim và khối óc” của người dân để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, đẩy mạnh phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, cách tiếp cận được những người ủng hộ mô tả là một phương thức chiến tranh nhân bản, phù hợp với các lý tưởng tự do của người Mỹ.

Tác giả Max Boot:

“Ông cho rằng phải đối xử với người dân địa phương như anh em, chiếm cảm tình và sự tin tưởng của họ, thì tự động họ sẽ tiết lộ những thông tin về những kẻ nổi dậy trà trộn trong dân. Đó là cốt lõi của cái gọi là chủ thuyết chống nổi dậy ngày nay. Khái niệm đó thời năm 1950 là rất mới, Lansdale là một trong những người tiên phong phát triển lối suy nghĩ đó.”

Được ông Diệm tín cẩn, Edward Lansdale gặp ông Diệm hầu như hàng ngày, ông luôn luôn kiên nhẫn lắng nghe ông Diệm độc thoại hàng giờ, mặc dù ông không nói được tiếng Việt hay tiếng Pháp.

Từng hoạt động trong ngành quảng cáo, Lansdale thích chiến tranh tâm lý, và tìm hiểu nền văn hóa nước sở tại để vận dụng tâm lý chiến một cách hữu hiệu. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào khái niệm dân chủ, tôn vinh hiến pháp Mỹ do các vị công thần lập quốc soạn ra, và nhiều lần tỏ ý mong muốn Tổng thống Ngô Đình Diệm trở thành “một cha già dân tộc” của Nam Việt Nam, khiến Tổng thống Diệm có lúc phải gắt lên “Đừng gọi tôi là Papa nữa!”

Tác giả Max Boot cho rằng cao điểm trong sự nghiệp của ông Lansdale là những thành công đạt được ở Philippines, nơi ông gặp ‘người đàn bà định mệnh’ của đời ông, một nhà báo Philippines, sau này trở thành người vợ thứ nhì của ông.

“Thành quả lớn nhất của ông là cuộc bầu cử Tổng thống năm 1953, trong đó ông coi như nghiễm nhiên đóng vai trò quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Magsaysay, và thực hiện mục tiêu mà không cần những trò chính trị mờ ám, mà chỉ dựa vào chiến lược cơ bản như đi vận động khắp nước và tung ra những khẩu hiệu tranh cử dễ nhớ như “Magsaysay is my guy”, nhờ đó ông Magsaysay trở thành ứng cử viên được cử tri khắp nước biết đến. Nhờ những lời khuyên của cố vấn Lansdale và uy tín cá nhân là một người thành thực và một nhà cải cách, ông Magsaysay đắc cử vẻ vang vào năm 1953 và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines.”

Ông Edward Lansdale và ông Magsaysay, sau này đắc cử Tổng Thống Philippines

Trả lời VOA-Việt ngữ, hỏi vì sao ông Lansdale kém thành công hơn ở Việt Nam, so với Philippines, có phải vì Việt Nam không có môt Magsaysay?

Tác giả Max Boot trả lời:

“Có rất nhiều sự khác biệt giữa Việt Nam và Philippines. Đúng, Việt Nam không có một nhà lãnh đạo như Magsaysay, nhưng ngoài ra, Việt Nam không may có một nước láng giềng ở ngay bên kia biên giới, sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ khổng lồ cho cuộc nổi dậy của cộng sản miền Bắc, điều mà Philippines không phải đối mặt. Mặc dù vậy, Lansdale vẫn đạt được một số thành quả tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1954 tới 1956 mà ít ai trước đó tin ông có thể làm. Tại Philippines, thành công cũng không đến với ông dễ dàng, nước này lúc đó được coi là đang bên bờ vực trở thành con cờ kế tiếp rơi vào chủ nghĩa cộng sản… Những gì mà ông Lansdale đã làm được tại Philippines là một thành công rực rỡ, trước đó khó tin có thể xảy ra.”

Hội thảo với tác giả của "The Road Not Taken" tại CSIS ngày 27/2/2018

Trong quyển “The Road not Taken”, có một bức ảnh của gia đình một tướng lãnh Việt Nam, Tướng Nguyễn Đức Thắng, mà ông Lansdale đánh giá là có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo tài ba của Việt Nam Cộng Hoà, tương tự như ông Magsaysay của Philippines. Tác giả cho biết chi tiết về vị tướng này.

“Ông là một vị tướng liêm khiết, thành thực, có khuynh hướng cải cách mà Lansdale muốn hỗ trợ trong những năm cuối của thập niên 1960, nhưng cuối cùng Tướng Thắng không được sự hậu thuẫn của Hội đồng Quân nhân và Tướng Nguyễn Văn Thiệu, và cuối cùng ông bị thanh trừng, phải xuất ngũ. Khi Saigon sụp đổ vào năm 1975, Tướng Thắng và gia đình sang Mỹ tỵ nạn. Thế là giấc mơ của Lansdale không thành tựu.”

Dựa trên những chi tiết được giải mật trong tài liệu “CIA và các tướng lãnh: Những Hỗ Trợ Ngầm Cho Chính Phủ Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa”, tên của Tướng Nguyễn Đức Thắng cũng được nhắc đến như một trong các tướng lãnh được người Mỹ kính nể. Ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo tiềm năng, liêm chính. Trong một báo cáo, Giám Đốc CIA Richard Helms đề nghị Tướng Thắng cùng lúc giữ hai Bộ: Bộ Quốc Phòng và Bộ Xây Dựng Nông Thôn, với tất cả các cơ cấu và cố vấn Mỹ “dưới quyền của Tướng Thắng”. Đây có lẽ là thêm một cơ hội bỏ lỡ, ảnh hưởng tới vận mệnh của miền Nam Việt Nam.