Mục tiêu của Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội 

  • VOA

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp gỡ với phái đoàn ngoại giao gồm các quan chức vừa tới thăm Hoa Kỳ.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/02. Những khâu chuẩn bị cuối cùng đang được nước chủ nhà Việt Nam thực hiện. Tới lúc này, vẫn chưa rõ hai nhà lãnh đạo có thể đạt được những gì sau cuộc gặp lần này, nhưng cựu phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Quốc, Thae Yong Ho, nói với báo giới hôm 19/02 rằng mục tiêu dài hạn của Bình Nhưỡng chính là loại bỏ sự hiện diện của Mỹ và Liên hiệp quốc trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bài phát biểu chào mừng năm mới, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi “những bước tiếp cận có tính toán” nhằm xây dựng một “thể chế hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên, ông Thae nói.

Vị cựu quan chức này giải thích rằng ông Kim muốn thiết lập một vùng đệm để giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai miền Triều Tiên, và dần dần mở rộng từ biên giới giữa hai miền Nam-Bắc ra toàn bộ bán đảo Triều Tiên như một cách đạt được hòa bình.

Ông Thae nói nếu sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sắp tới, Tổng thống Trump ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh, điều mà nhiều nhà phân tích dự báo có thể xảy ra, thì phía Bình Nhưỡng có thể khẳng định rằng không có lí do gì mà Bộ chỉ huy Liên hiệp quốc còn hiện diện trên bán đảo này, bởi “lý do Bộ chỉ huy Liên hiệp quốc có mặt ở đây là nhằm ngăn chặn bất kì cuộc đối đầu vũ trang nào có thể xảy ra giữa hai miền Triều Tiên.”

Phát biểu trước Viện Nghiên cứu Cấp cao Chey tại Seoul hồi tuần trước, ông Bruce Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp của RAND Corporation, cũng xác định những mục tiêu dài hạn của ông Kim Jong Un.

“Tôi nghĩ rằng ông ấy muốn thấy Mỹ rút ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tôi nghĩ ông ấy muốn ở trong vị trí mà ông ấy có thể gây sức ép đáng kể lên phía Hàn Quốc, và tôi cho rằng Kim Jong Un cần phải thống nhất được sự ủng hộ nội bộ,” ông Bennett nói.

Bất chấp những phân tích của giới tình báo và chuyên gia, ông Bennet cho rằng mục tiêu của ông Kim không bị kiểm soát bởi những điều mà “chúng ta” cho rằng Bắc Triều Tiên có khả năng đạt được.

“Quan trọng với ông ta là những gì mà ông ấy nghĩ ông ấy có thể thành tựu, bởi đó là động lực thúc đẩy hành động của quốc gia này,” ông Bennett cho biết.

Phi hạt nhân hóa

Trao đổi với báo giới tại phòng Bầu dục hôm 19/2, Tổng thống Trump kì vọng “đạt được nhiều kết quả” sau cuộc gặp với ông Kim Jong Un.

Ông Trump nói cuộc gặp sắp tới “rất thú vị,” nhưng khẳng định rằng mục tiêu tối thượng của Hoa Kỳ chính là giải giáp vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

“Tôi nghĩ chúng ta rốt cuộc sẽ thấy điều đó xảy ra. Tôi không có một thời biểu cấp bách,” Tổng thống Trump nói. “Miễn là họ không thử tên lửa nữa, thì tôi không vội. Nếu họ tiếp tục thử, sẽ là chuyện khác.”

Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang, ông Trump tuyên bố “Nếu tôi không phải là người được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, giờ thì chúng ta, theo tôi nghĩ, đang có chiến tranh lớn với Bắc Triều Tiên mà có thể hàng triệu người phải thiệt mạng.”

Tuy nhiên, hôm 19/02 vừa qua, ông nói rằng mối quan hệ hai nước “đã bớt nguy hiểm đi rất nhiều, hai bên đều rất tỉnh táo.”

Thế nhưng, ông Thae nói Bắc Triều Tiên thực tế chưa bao giờ là một mối đe dọa chiến tranh đối với Hoa Kỳ.

Thay vào đó, cựu viên chức ngành ngoại giao Bắc Hàn cho rằng giọng điệu của Bình Nhưỡng là nhắm vào vai trò của Washington trong việc tạo ra một lực lượng nghênh cản xung đột trong khu vực, và rằng ông Trump đã “rơi vào bẫy của chính mình.”

“Chuyện Tổng thống Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hiệp quốc và tuyên bố rằng thật sự có nguy cơ chiến tranh là một sai lầm chiến lược,” ông Thae nói.

Ông còn nói thêm rằng chính Bình Nhưỡng đã thao túng để mọi người tin rằng Hoa Kỳ và Triều Tiên đang ở bờ vực của một “cuộc chiến hạt nhân”.

Ông Thae cho rằng ông Kim Jong Un đã thành công trong việc chuyển trọng tâm chú ý từ Bắc Triều Tiên sang việc tăng cường quan hệ và thiết lập hòa bình để giải giới hạt nhân.

“Bắc Triều Tiên đã thiết lập được khung sườn làm việc với Hoa Kỳ mà trong đó chuyện cấp bách trước mắt là xây dựng niềm tin giữa hai quốc gia, rồi sau đó mới bắt đầu tiến hành phi hạt nhân hóa,” ông nói.

Nhà phân tích Bennett không chắc liệu ông Kim có đồng ý hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân hay không, cho dù có tuyên bố chấm dứt chiến tranh đi chăng nữa.

Nếu Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ông Bennett nói, “Phải kết thúc một cuộc chiến rộng lớn hơn và đưa tới hòa bình thực sự chứ không phải là lớp vỏ hòa bình.”

Sự chuẩn bị của Hà Nội

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/02 tuyên bố đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Triều Tiên, Stephen Biegun, đã lên đường tới Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim.

“Có rất nhiều điều đang được thảo luận và chúng ta đều rất mong chờ vào sự kiện tuần tới,” phó phát ngôn viên Robert Palladino cho biết.

Người ta thấy ông Kim Hyol-chol, đặc sứ của Bắc Triều Tiên phụ trách các vấn đề với Hoa Kỳ, đã tới Bắc Kinh hôm 19/02 và có mặt tại Hà Nội hôm 20/02.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 19/02, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bàn về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Một tuyên bố phát đi từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Moon đề nghị hỗ trợ ông Trump, như là một sự nhượng bộ Bình Nhưỡng, để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Chuyện này có thể bao gồm mọi thứ, từ việc nối lại hệ thống đường sắt và đường bộ giữa hai miền Triều Tiên cho đến các hợp tác kinh tế liên Triều khác.

Ông Moon cho biết Hàn Quốc “quyết tâm lãnh xướng vai trò đó nếu Tổng thống Trump yêu cầu, và nếu đó là cách để giảm gánh nặng cho phía Hoa Kỳ,” theo phát ngôn viên Kim Eui-kyeom của Tổng thống Hàn Quốc.