Mỹ: Gia tăng tranh cãi sau bạo động ở Virginia

Hoa và di ảnh của Heather Heyer, được đặt tại nơi Heather Heyer thiệt mạng tại Charlottesville, Va., ngày 13/8/2017 khi một chiếc xe đâm vào đám đông biểu tình.

Vụ bạo động xuất phát từ việc di dời tượng đài của Liên minh miền Nam trong thời nội chiến trước đây Mỹ ở Charlottesville, bang Virginia, không cản chân các lãnh đạo thành phố trên khắp nước Mỹ. Họ nói nội trong tuần này sẽ đẩy mạnh những nỗ lực di dời những tượng đài như vậy ra khỏi các nơi công cộng.

Thị trưởng thành phố Baltimore (bang Maryland) và thành phố Lexington (bang Kentucky) ngày 14/8 tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch di dời giữa lúc tranh luận bùng phát trên toàn quốc về việc những tượng đài của Liên minh miền Nam là biểu tượng của thù hận hay là di sản.

Một cuộc biểu tình của những người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc phản đối kế hoạch di dời tượng của Đại tướng Robert E. Lee, chỉ huy trưởng quân đội miền nam chủ trương nô lệ trong cuộc nội chiến Mỹ, đã biến thành xung đột với những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc ngày 12/8. Đám đông biểu tình bị một chiếc xe lao thẳng vào, 1 phụ nữ thiệt mạng và 19 người bị thương.

Các giới chức tại Memphis (bang Tennessee) và Jacksonville (bang Florida) ngày 14/8 loan báo đề nghị hạ bỏ những tượng đài của Liên minh miền Nam. Và Thống đốc Tennessee, Bil Hasland, thuộc đảng Cộng hòa, thúc đẩy các nhà lập pháp di dời khỏi Quốc hội tiểu bang tượng bán thân của ông Nathan Bedford, một tướng lãnh của Liên minh miền Nam và là người sớm gia nhập tổ chức Ku Kluk Klan.

“Đây là thời điểm đứng dậy và lên tiếng,” Thị trưởng Lexington Jim Gray nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/8. Ông đưa ra loan báo về những nỗ lực của thành phố ông sau vụ bạo động tại Charlottesville.

Đụng độ ngày 12/8 giữa những phần tử theo chủ nghĩa người da trắng ưu việt và những người biểu tình phản bác lại tại Charlottesville, trong vụ này cũng có hai cảnh sát thiệt mạng vì tai nạn trực thăng, dường như càng thúc đẩy việc di dời các tượng đài, cờ và những kỷ niệm khác nhắc nhở đến lý tưởng của Liên minh miền Nam.

Một số người chống đối tự tay giải quyết các vấn đề này, xông vào một địa điểm tượng đài Liên minh miền Nam bên ngoài Tòa án Durham, bang North Carolina, hôm 14/8 và kéo đổ một pho tượng bằng đồng.

Những hình ảnh của truyền hình địa phương cho thấy những người biểu tình thay nhau đạp, đá tượng trong khi những người khác reo hò.

Cảnh sát tư pháp quận Durham, Mike Andrews, nói trong một tuyên bố ngày 15/8 là văn phòng ông sẽ truy tố những người có liên hệ về tội cố ý phá hoại các công trình.

Việc các tổ chức dân quyền và các tổ chức khác phát động chương trình di đời các tượng đài của Liên minh miền Nam đạt được đà tiến sau khi một thành viên của tổ chức cổ súy ý tưởng xem người da trắng là ưu việt giết chết 9 người Mỹ gốc châu Phi tại một nhà thờ ở Charleston, North Carolina, vào năm 2015. Vụ nổ súng này đưa đến việc gỡ bỏ một lá cờ của Liên minh miền Nam khỏi một trụ sở tiểu bang ở Columbia.

Tính đến tháng 4 năm nay, có ít nhất 60 biểu tượng của Liên minh miền Nam bị di dời hay được đặt tên lại trên toàn nước Mỹ kể từ năm 2015, theo Trung tâm Southern Poverty Law.

Tuy nhiên những nỗ lực như vậy cũng làm cho cờ và tượng đài của Liên minh miền Nam trở thành một điểm tụ tập của các phần tử xem người da trắng là ưu việt và những tổ chức cánh hữu cực đoan khác, theo nhận xét của ông Ryan Lenz, phát ngôn viên của Trung tâm vừa kể.

Những người chống lại các tượng đài của Liên minh miền Nam xem những tượng đài này là một sĩ nhục đối với người Mỹ gốc châu Phi và lý tưởng về đa dạng chủng tộc và bình đẳng. Những người ủng hộ cho rằng những tượng này tượng trưng một phần lịch sử quan trọng, vinh danh những người đã chiến đấu và chết cho các tiểu bang nổi loạn miền Nam thời Nội chiến trước kia.