Mỹ huấn luyện quan chức Campuchia chống tội phạm mạng

Những người chỉ trích cho rằng dự luật về chống tội phạm mạng của Campuchia có thể bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt và bóp nghẹt tiếng nói bất đồng.

Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã mời các giới chức cấp cao của Campuchia học hỏi về vấn đề tội phạm mạng từ các chuyên gia Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Phorn Bopha của đài VOA tại Phnom Penh, lời mời được đưa ra trong lúc một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan tâm về dự luật chống tội phạm mạng mà giới hữu trách Campuchia soạn thảo trong vài năm gần đây.

Những người chỉ trích cho rằng dự luật về chống tội phạm mạng của Campuchia có thể bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do biểu đạt và bóp nghẹt tiếng nói bất đồng, trong lúc dân chúng nước này sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook để bày tỏ ý kiến chính trị.

Ông Kan Channmeta, một giới chức cấp cao của Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia, cho biết ông ước tính khoảng 7 triệu người, gần phân nửa dân số, sử dụng internet một cách thường xuyên.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông William Heidt, cho biết vào đầu tháng này rằng Hoa Kỳ muốn làm việc với chính phủ Campuchia để bảo đảm là người dân Campuchia được tự do bày tỏ ý kiến trên mạng.

Ông nói “Tội phạm mạng là một vấn đề thật sự ở Mỹ cũng như ở Campuchia, cho nên chúng tôi đang làm việc với Campuchia.”

Đại sứ Heidt cho biết các khoá huấn luyện sẽ đưa các giới chức Campuchia tới Mỹ “để xem luật lệ mạng của chúng tôi hoạt động như thế nào, nước Mỹ chấp hành luật lệ và truy tố tội phạm mạng như thế nào.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi cũng sẽ tìm cách để bảo đảm là internet của các bạn tiếp tục là một nơi để bày tỏ ý kiến một cách tự do.”

Các nhà quan sát cho biết Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền cai trị Campuchia hơn 30 năm, đang dùng Facebook để trình bày chính sách của mình và đồng thời cũng để tìm hiểu ý kiến của người dân. Các nhà phân tích nói đây là một chiến thuật quan trọng để tranh giành sự ủng hộ của giới trẻ với Đảng Cứu Quốc Campuchia thuộc phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.

Ông Phay Siphan, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói tuy chính phủ ông hoan nghênh chương trình huấn luyện, nhưng không phải tất cả những gì được áp dụng tại Mỹ đều có thể áp dụng ở Campuchia.

Ông nói “Tôi muốn biết các tiêu chuẩn của Mỹ liên quan tới cách thức tăng cường an ninh quốc gia và kiến thức về đất nước của họ.”

Ông cho biết luật lệ về tội phạm mạng của Mỹ sẽ được dùng như những điểm tham chiếu để Campuchia soạn lại luật lệ của mình.

Ông nói “Chúng tôi tham khảo luật Mỹ vì mặc dù chúng tôi chưa tới đó nhưng chúng tôi chuẩn bị cho những năm tới đây, khi kinh tế của chúng tôi phát triển mạnh, mức sống được nâng cao và luật lệ được tôn trọng. Chúng tôi muốn thu thập những yếu tố để đưa vào việc soạn thảo luật về tội phạm mạng.”

Ông Siphan cũng cho biết các giới chức chính phủ ở Phnom Penh có thể gặp phải những chướng ngại khi thực thi các luật lệ chống tội phạm mạng. Ông nêu ra vụ tranh chấp giữa Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với công ty Apple xoay quanh mức độ mà các toà án có thể ép buộc để các nhà sản xuất mở khoá những chiếc điện thoại di động mà dữ liệu được mật mã hoá.

Tướng Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết sự hiểu biết của giới hữu trách Campuchia về cách thức đối phó với tội phạm mạng vẫn còn thấp.

Ông nói “Công nghệ tiến bộ rất nhanh chóng và một số nước sẽ không bắt kịp các nước phát triển. Kiến thức về tội phạm mạng đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi. Và như quí vị đã biết, chúng tôi không phải là nước sản xuất máy tính hoặc các chuyên gia lập trình điện toán. Hầu hết các chương trình điện toán mà chúng tôi dùng là của Mỹ, cho nên chúng tôi rất vui khi thấy các chuyên gia của mình có thể học hỏi thêm về những công nghệ tối tân ở các nước phát triển, nhất là nước Mỹ.”

Tướng Sopheak cũng cho biết chính phủ ở Phnom Penh cảm thấy bất mãn trước việc một số người Mỹ gốc Campuchia dùng Facebook để lăng mạ thủ tướng Hun Sen và những nhà lãnh đạo khác trong chính phủ.

Ông nói “Tôi muốn họ không làm như vậy nữa, và nếu những trường hợp như vậy vẫn tiếp diễn, tôi muốn các giới chức Mỹ hợp tác, ít ra là để cho những người đó biết rằng mặc dù họ là người Mỹ, họ vẫn phải tôn trọng những truyền thống của Campuchia."