Mỹ không cam kết theo đuổi thỏa thuận khí hậu tại hội nghị G-7

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi trong khi họ tham dự hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo G-7 và các đối tác tại Taormina, Ý, ngày 27 tháng 5, 2017.

Sáu quốc gia khác thuộc nhóm Bảy Cường quốc (G-7) nhất trí khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận khí hậu Paris, trong khi chờ đợi quyết định của chính quyền Trump về việc liệu Mỹ sẽ tiếp tục ở lại trong thỏa thuận hay không.

"Hoa Kỳ đang đánh giá chính sách của mình về khí hậu, vì vậy sáu nước G-7 khác sẽ tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận Paris toàn cầu trong khi ghi nhận" lập trường của Mỹ, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Pháp cho biết.

Các quan chức Mỹ đã nói rằng Tổng thống Donald Trump, người từng gọi sự tăng nhiệt toàn cầu do con người gây ra là một "trò bịp" trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình vào năm ngoái, sẽ đợi đến sau hội nghị thượng đỉnh để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng thống, nói ông Trump "đang ghi nhận những gì mà ông ấy nghe được từ các nhà lãnh đạo thế giới" hôm Sáu để quyết định xem liệu có tôn trọng cam kết của Washington cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris ký hai năm trước hay không.

Thủ tướng Anh Theresa May nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng các nhà lãnh đạo đã có "cuộc thảo luận rất tốt về các vấn đề khí hậu" và nói thêm rằng "không có nghi ngờ gì quanh bàn họp" – kể cả ông Trump – về tầm quan trọng của vấn đề này.

Chủ nghĩa bảo hộ bị lên án

Các nhà lãnh đạo G-7 đã có thể đạt được đồng thuận về một vấn đề khác gây tranh cãi khác: thương mại tự do. Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh về thương mại sẽ có những ngôn từ chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trước cuộc họp, quan chức từ một số quốc gia G-7 đã bày tỏ lo ngại về những lời lẽ của Mỹ đối với thương mại, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng Mỹ có quyền bảo hộ nếu họ nghĩ rằng thương mại không tự do hay công bằng.

Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết,” ông Trump thường nói rằng Mỹ vẫn có những điều khoản thương mại tồi trong thương mại toàn cầu và đe dọa đáp trả bằng thuế quan và các chính sách khác ưu ái các công ty và người lao động trong nước.

Lãnh đạo châu Phi tham dự

Vào ngày thứ hai và cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G-7, nước chủ nhà Ý muốn thu hút sự chú ý tới cuộc khủng hoảng di dân và những vụ vượt Địa Trung Hải nguy hiểm mà hàng chục ngàn người thực hiện để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu

Các nhà lãnh đạo từ Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia tham gia các cuộc hội đàm hôm thứ Bảy, vì đây là những nước nguyên quán của những di dân đang tìm cách tới Châu Âu.