Mỹ, Nga hợp tác lập trạm vũ trụ bay quanh mặt trăng

Mỹ, Nga sẽ chế tạo trạm vũ trụ bay quanh mặt trăng

Mỹ và Nga mới đạt thỏa thuận hợp tác về một dự án lập trạm vũ trụ đầu tiên bay quanh mặt trăng. Thỏa thuận được ký kết tại Đại hội Du hành Vũ trụ Quốc tế lần thứ 68 ở Adelaide, Australia, theo tin của Telegraph và CBC đăng ngày 27/9.

Dự án do NASA - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - đứng đầu là một phần trong một chương trình dài hạn nhằm thăm dò sâu vào vũ trụ và đưa người tới Sao Hỏa.

Cũng như Trạm Vũ trụ Quốc tế, trạm quỹ đạo quanh mặt trăng - với tên chính thức là Cổng Vũ trụ Sâu thẳm - sẽ đón các nhà du hành vũ trụ của các nước trên thế giới.

Những người đứng đầu các cơ quan vũ trụ hy vọng trạm mới sẽ giúp nhân loại có bàn đạp để tiến hành các chuyến bay tới Sao Hỏa hoặc những nơi khác trong Hệ Mặt trời.

Trong khi NASA không đưa ra nhiều chi tiết, ông Igor Komarov, đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscomos, được hãng tin Nga Interfax dẫn lời nói rằng các mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ mới sẽ được chế tạo trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2026.

Trước đó, NASA mô tả Cổng Vũ trụ Sâu thẳm là một trạm có người làm việc trên đó, bay trên quỹ đạo quanh mặt trăng. Trạm bao gồm môi trường sống nhỏ cho các nhà du hành, các thiết bị ghép nối và khoang kín khí cho tàu Orion của NASA, và hệ thống phân phối nguồn điện. Tàu Orion hiện đang trong quá trình chế tạo.

NASA nói trạm mới sẽ được phát triển, bảo trì và sử dụng trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác thương mại và quốc tế.

Ông Komarov cho hay thỏa thuận vừa đạt được cũng cho phép Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi tham gia vào dự án trạm Cổng Vũ trụ Sâu thẳm nếu được Nga và Mỹ chuẩn thuận.

(Telegraph, CBC)