Mỹ nhận đủ người tị nạn theo chỉ tiêu của năm 2016

Your browser doesn’t support HTML5

Hoa Kỳ sẽ nhận nhiều người tị nạn hơn

Hoa Kỳ đạt sát chỉ tiêu nhận người tị nạn trong năm tài khóa 2016, khép lại 12 tháng nhiều bất đồng chính trị về các chính sách nhận người tị nạn, và chỉ còn thiếu 5 người nữa là hoàn thành chỉ tiêu nhận 85.000 người tị nạn mà chính quyền đã đặt ra.

Loan báo này được đưa ra sau khi các đại diện của nhóm vận động Quốc hội cho người tị nạn đến Washington để trình bày với các nhà lập pháp về quan tâm ngại của người tị nạn.

Thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA đã đi cùng bà Zeljka Krvavica, trước đây là người tị nạn chạy khỏi Bosnia, cùng với các đại diện khác gặp gỡ các nhà lập pháp ở Điện Capitol.

Bà Zeljka Krvavica là một đại diện ở bang Iowa của nhóm vận động Quốc hội cho người tị nạn.

Hôm nay bà Zeljka và các đại diện khác đến Washington để gặp gỡ với các đại biểu Quốc hội, để nhắc họ rằng con số người thất tán trên khắp thế giới tăng lên mức cao nhất chưa từng có.

Bà nói: "Hy vọng rằng những lá phiếu của chúng tôi, những ý kiến của chúng tôi, và nỗ lực vận động của chúng tôi sẽ góp phần thúc đẩy Quốc hội thông qua chỉ tiêu nhận thêm người tịn nạn vào Mỹ trong năm 2017".

Theo số liệu của Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), 65,3 triệu người thất tán trên khắp thế giới vì những cuộc xung đột và hay bị áp bức. 20 triệu người xin tị nạn.

Tòa Bạch Ốc muốn Hoa Kỳ nhận 110.000 người tị nạn trong năm 2017, so với chỉ tiêu của năm 2016 là 85.000 người.

Ông Christopher Boian của Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc nói rằng mỗi nước phải tăng việc nhận số người tị nạn lên và làm những gì có thể tùy theo khả năng của mỗi nước.

Ông nói thêm: "Thế giới đang đối diện với một cuộc khủng hoảng về người tị nạn về số người lẫn về tính chất chưa từng gặp phải trước đây. Và đến lúc thế giới cần phải có những giải pháp mới, cơ chế mới và phương cách mới để tăng cường giải quyết và kiểm soát cuộc khủng hoảng".

Nỗ lực tăng cường giải quyết cuộc khủng khoảng người tị nạn gặp phải một số chống đối. Khi hàng trăm ngàn người tị nạn tràn vào châu Âu hồi mùa thu năm ngoái, một số nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc đã nhanh chóng đóng cửa biên giới nước họ lại.

Tại Hoa Kỳ, ứng cử viên tổng thống Donald Trump của Ðảng Cộng hòa tuyên bố sẽ hồi hương tất cả người tị nạn Syria.

Ông Trump nói: "Chúng tôi không biết họ là ai, họ ở đâu tới. Không có hồ sơ chứng cứ gì cả. Chúng tôi có phải là những người điên rồ hay không? Không, họ phải hồi hương. Nếu tôi lên làm tổng thống, những người đó phải về quê quán của họ. Chúng tôi phải thực hiện điều đó. Chúng tôi phải làm việc đó".

Bà Zeljka Krvavica nói rằng những lo ngại về an ninh là không có cơ sở. Bà nói những người tị nạn là nhóm được xem xét kỹ lưỡng nhất bằng một quy trình xét duyệt có thể kéo dài đến 2 năm trước khi được cho vào nước Mỹ.

Bà nói: "Thật không may có nhiều người cho rằng người tị nạn vào Mỹ là những phần tử khủng bố. Họ không phải là khủng bố. Nhiều người nghĩ rằng người tị nạn không đóng thuế, và sống ở Mỹ miễn phí. Điều đó không đúng".

Bà Zeljka nói một phần của giải pháp là tuyên truyền cho công chúng về người tị nạn là ai và lịch sử đã cho thấy người tị nạn đã đóng góp to lớn như thế nào cho xã hội Mỹ.