Mỹ rút viên chức ngoại giao khỏi Cuba vì ‘các cuộc tấn công’

Đại sứ quán Mỹ ở Havana, Cuba, 18/9/2017.

Washington đang rút hơn một nửa số viên chức của đại sứ quán Mỹ khỏi Cuba sau khi có các cuộc tấn công bí ẩn gây hại đến sức khỏe các nhà ngoại giao Mỹ.

Chính quyền Mỹ cũng cảnh báo người dân không đến Cuba vì một số cuộc tấn công diễn ra ở các khách sạn.

Ít nhất 21 viên chức báo cáo họ có các vấn đề sức khoẻ, từ chấn thương não nhẹ, điếc cho đến chóng mặt, buồn nôn. Ít nhất hai người Canada cũng bị ảnh hưởng.

Có những báo cáo trước đó cho rằng các cuộc tấn công bằng âm thanh đã gây ra vấn đề. Cuba phủ nhận có bất kỳ dính líu gì đến việc này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết Mỹ sẽ duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để điều tra các vụ tấn công.

Hoa Kỳ đang yêu cầu tất cả các nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán ở Havana phải rời đi, cùng với tất cả người nhà. Chỉ "các nhân viên khẩn cấp" sẽ ở lại. Hoa Kỳ đã đình chỉ vô thời hạn việc xử lý thị thực tại Cuba.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: "Chúng tôi sẽ giảm xuống chỉ còn các nhân viên khẩn cấp cho đến khi nào chính phủ Cuba có thể đảm bảo an toàn cho người của chúng tôi".

Mặc dù có một cuộc điều tra với sự tham gia của FBI, Cảnh sát Hoàng gia Quốc gia Canada và chính quyền Cuba, vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ về nguyên nhân của những vụ việc này kể từ cuối năm 2016.

Quan chức Mỹ nói hôm 29/9: "Chúng tôi không biết các phương tiện, phương pháp hay cách thức các cuộc tấn công đang được tiến hành".

Tuy nhiên, các báo cáo trước đây phỏng đoán chúng là những cuộc tấn công bằng siêu âm, trong đó các nhân viên ở Havana bị tấn công bằng các sóng âm, làm họ gặp một số vấn đề kinh niên về thính giác.

Denis Bedat, một chuyên gia về điện từ sinh học, nói với hãng thông tấn AFP rằng việc sử dụng thiết bị âm thanh ngoài dải nghe được để tấn công âm thầm là điều “hoàn toàn có thể làm được về mặt kỹ thuật”.

Hoa Kỳ chưa quy trách nhiệm cho Cuba về những vụ này. Cả chính phủ Hoa Kỳ và Cuba "vẫn chưa xác định được bên có tội", quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

"Chúng tôi chưa loại trừ khả năng một quốc gia thứ ba trong cuộc điều tra. Cuộc điều tra vẫn tiếp diễn", quan chức nói thêm.

Có tin Chủ tịch Raul Castro đã đích thân đảm bảo với các quan chức Mỹ ở Havana rằng Cuba không đứng đằng sau các vụ tấn công này.

Hoa Kỳ mở cửa trở lại đại sứ quán ở Havana vào năm 2015, sau nhiều thập kỷ ngưng trệ quan hệ hai nước .

Năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã trở thành vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Cuba kể từ thời ông Calvin Coolidge năm 1928.

Tháng 6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lại một phần các chính sách về Cuba của ông Obama, nhưng ông Trump nói sẽ không đóng cửa đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana.

(theo BBC, CNN, Washington Post)