Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày 13/6 ký một thỏa thuận an ninh song phương 10 năm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước quân xâm lược Nga và đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.
Các quan chức cho biết, thỏa thuận này, được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, nhằm cam kết chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với ông Zelenskyy.
Ông cho biết thông điệp của G7 gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin là “Ông không thể chờ đợi chúng tôi rời bỏ. Ông không thể chia rẽ chúng tôi”. Nhóm các quốc gia giàu có G7 cũng đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ đô la được đảm bảo bằng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga.
Theo văn bản, thỏa thuận an ninh Mỹ-Ukraine là khuôn khổ cho nỗ lực lâu dài nhằm giúp phát triển các lực lượng vũ trang lỗi thời của Ukraine và đóng vai trò là một bước tiến tới việc Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO.
Tổng thống Ukraine gọi thỏa thuận này mang tính lịch sử, nói rằng đây là cầu nối dẫn tới việc nước ông cuối cùng trở thành thành viên NATO. Ông nói: “Đây là một thỏa thuận về an ninh và do đó bảo vệ sự sống con người”.
Ông Zelenskyy từ lâu đã tìm cách trở thành thành viên NATO nhưng các đồng minh đã không thực hiện được bước đi đó. Liên minh phương Tây coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một trong 32 thành viên của mình đều là cuộc tấn công vào tất cả các nước theo Điều 5 của NATO.
Thỏa thuận cho biết, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang hoặc đe dọa như vậy đối với Ukraine, các quan chức hàng đầu của Mỹ và Ukraine sẽ gặp nhau trong vòng 24 giờ để tham khảo ý kiến về phản ứng và xác định những nhu cầu phòng thủ bổ sung nào là cần thiết đối với Ukraine.
Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong bối cảnh Nga tiếp tục thúc đẩy mặt trận phía đông Ukraine.
Thỏa thuận cũng vạch ra kế hoạch phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine và mở rộng quân đội.
Văn bản cho biết Ukraine cần một lực lượng quân sự “đáng kể” và đầu tư bền vững vào cơ sở công nghiệp quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO.
Thỏa thuận sẽ cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chương trình huấn luyện và giáo dục quân sự cũng như các cuộc tập trận và quân sự kết hợp.
Với việc ông Trump dẫn trước ông Biden trong nhiều cuộc thăm dò bầu cử, tương lai của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.
Ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về cuộc chiến tiếp tục của Ukraine, có lúc nói rằng ông sẽ chấm dứt xung đột trong ngày đầu tiên nhậm chức. Ông Trump cũng đã thúc đẩy châu Âu gánh thêm gánh nặng hỗ trợ Kyiv.
Ông Biden gần đây đã thay đổi chính sách chống lại việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công bên trong nước Nga, cho phép Kyiv bắn phi đạn tầm xa của Mỹ chống lại các mục tiêu của Nga gần thành phố Kharkiv đang bị bao vây của Ukraine.
Tại cuộc họp báo, ông Biden nói rõ rằng ông sẽ không cho phép Ukraine mở rộng việc sử dụng phi đạn của Mỹ bên trong lãnh thổ Nga.
Ông Biden nói: “Việc Ukraine có thể tiêu diệt hoặc chiến đấu với những gì đang diễn ra qua biên giới đó là rất có ý nghĩa. Về vũ khí tầm xa… chúng tôi không thay đổi quan điểm của mình về vấn đề đó”.