NATO bị thách thức trước việc IS tấn công Thổ Nhĩ Kỳ

Người biểu tình ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ ném đá vào xe quân đội trong cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd và tỏ tình đoàn kết với người dân thị trấn Kobani.

Sự kiện các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria tiến quân đến vùng nằm trong vòng vài kilomet cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra những mối quan ngại rằng nhóm này có thể tấn công vào bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, có thể đòi hỏi liên minh phải đáp trả. Từ London, thông tín viên VOA Al Pessin ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật.

Trong tư cách là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền được sự hỗ trợ của 27 nước đồng minh khác nếu bị xâm nhập, và nước này đã có sẵn một hệ thống phòng thủ phi đạn và các hình thức viện trợ khác để tăng cường phòng vệ.

Trong tuần lễ đầu tiên tại chức, tân tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, đã xác nhận cam kết này.

Ông Stoltenber nói: “Thổ Nhĩ Kỳ nên biết rằng NATO sẽ có mặt ở đó nếu xảy ra bất cứ vụ xấm lấn, hay tấn công nào vào Thổ Nhĩ Kỳ, như hậu quả của các vụ bạo động chúng ta thấy ở Syria.”

Nhưng các chuyên gia, trong đó có ông Josef Janning thuộc Hội đồng Đối ngoại Âu châu, cho rằng NATO sẽ rất miễn cưỡng phải làm điều gì nhiều hơn so với sự cần thiết tuyệt đối để bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Janning nói với đài VOA qua Skype: “Có nhiều phần chắc nhất là NATO sẽ bảo đảm duy trì tình đoàn kết liên minh, nhưng không dành cho Thổ Nhĩ Kỳ toàn quyền về các hoạt động quân sự vào Syria, hoặc vào Iraq. Tôi không nghĩ rằng nhiều nước NATO sẽ cảm thấy thoải mái khi bị buộc can dự qua cửa sau vào vụ xung đột này.”

Ông Stoltenber nói: “Thổ Nhĩ Kỳ nên biết rằng NATO sẽ có mặt ở đó nếu xảy ra bất cứ vụ xấm lấn, hay tấn công nào vào Thổ Nhĩ Kỳ, như hậu quả của các vụ bạo động chúng ta thấy ở Syria.”

Ông Janning nói vấn đề là tình hình ở Syria rất phức tạp, và các quốc gia NATO rất lo ngại, như họ đã từng lo ngại nhiều năm, rằng bất cứ cuộc tấn công nào vào các nhóm nổi dậy như Nhà nước Hồi giáo, sẽ chỉ đem thêm sức mạnh cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ngoài ra, theo ông, sau các cuộc chiến tranh kéo dài, gay go và tốn kém ở Iraq và Afghanistan, các quốc gia NATO không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nổi dậy nữa.”

Ông Janning cho biết: “Trước khi NATO có thể tham gia vào một chiến dịch ở Syria, NATO sẽ cần phải có khái niệm hậu quả sẽ ra sao, hình thức chấm dứt xung đột nào họ muốn có cho Syria. Và đó là nơi vấn đề bắt đầu.”

Vì thế, ông Janning và những người khác trông đợi NATO sẽ dò dẫm một cách thận trọng, ngay trong khi họ tôn trọng cam kết an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Carnegie châu Âu, thành viên cấp cao Judy Dempsey nói bất cứ hoạt động nào để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều phải là một hoạt động chính thức của NATO, theo cái gọi là Điều lệ số 6 của hiệp ước NATO. Nhưng bà nói có thể sẽ không đi đến chỗ tất cả các thành viên can dự vào một cam kết quan trọng về lực lượng trên bộ.

Bà Dempsey nói: “NATO trong tư cách NATO có thể viện đến Điều lệ số 5, nhưng điều ta có thể có là “các liên minh của những nước sẵn lòng”, mà trên thực tế điều chúng ta đang chứng kiến trong liên minh là Hoa Kỳ đã thu thập được cho chiến dịch oanh kích này.”

Ngay cả trong trường hợp ấy, bà Dempsey cho rằng NATO có thể gặp khó khăn để hạn chế sự can dự của mình.

Ông Josef Janning (phải) cho rằng NATO sẽ rất miễn cưỡng phải làm điều gì nhiều hơn so với sự cần thiết tuyệt đối để bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Dempsey nói tiếp: “Không có quân trên chiến địa, hay không đi đến được một hình thức thương nghị chính trị nào, thì ISIS tha hồ hoạt động. Chúng ta có các đạo quân không được chuẩn bị kỹ ở Iraq. Chúng ta có Syria hoàn toàn sụp đổ. Và hãy chờ đến khi bắc bộ Israel lâm vào cảnh bất ổn. Sự kiện này hết sức dễ bùng nổ, dễ bùng nổ và nguy hiểm hết sức.”

Và điều đó có phần chắc sẽ không thay đổi. Nhà nước Hồi giáo chưa lùi bước trước chiến dịch oanh kích do Hoa Kỳ lãnh đạo. Và ông Josef Janning nói mối đe doạ về sự can thiệp của NATO có phần chắc sẽ không làm nhóm nay nao núng.

Ông Janning nhận định rằng: “Nếu NATO can dự, tôi không cho rằng các phần tử ISIS sẽ nao núng là mấy. Bọn chúng có thể coi đó như là xác nhận thêm tầm quan trọng và ý nghĩa của bọn chúng trong khu vực.”

Cam kết phòng thủ chung là cốt lõi của liên minh NATO, và các chuyên gia nói nó có tác dụng cho dù một thành viên bị đặt dưới sự đe doạ của một quân đội hay một nhóm chủ chiến. Họ trông đợi một sự đáp ứng của NATO nếu Nhà nước Hồi giáo tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không thể nói đích xác sự đáp ứng đó sẽ là gì hay chính xác nó sẽ có tác dụng như thế nào.