Nepal đạt được bước đột phá chính trị

Biểu tình chống Trung Quốc ở Katmandu, Nepal.

Các phe phái chính trị khét tiếng bị chia rẽ của Nepal đã đạt được một thỏa thuận có thể dẫn tới việc soạn thảo một bản hiến pháp sau thời gian dài bị đình hoãn.

Bốn đảng chính ở Nepal đã đạt được đột phá này vào chiều tối hôm qua. Theo đó, đất nước ở vùng Hy Mã Lạp Sơn này sẽ được chia thành 8 tiểu bang trong một liên bang.

Các giới chức hôm nay nói rằng một dự thảo hiến pháp có thể được soạn xong trước tháng 7. Dự thảo cần có sự tán thành của đa số 2 phần 3 đại biểu quốc hội để được thông qua.

Quốc hội Lập hiến của Nepal lẽ ra đã phải soạn xong dự thảo hiến pháp trước năm 2010, nhưng những vụ đấu đá chính trị trong nội bộ đã khiến Nepal nhiều lần không thực hiện được mục tiêu đó trước những hạn chót đã đề ra.

Một trong những lĩnh vực bất đồng chủ yếu là vấn đề đường ranh giới tiểu bang trong liên bang Nepal được vạch dựa trên yếu tố sắc tộc hay là dựa trên yếu tố địa dư.

Vấn đề đó chưa được giải quyết trong một thoả thuận có tính cách tương nhượng. Thay vào đó, một ủy ban cấp liên bang sẽ được thành lập để vạch ra những ranh giới bên trong nội bộ Nepal.

Thỏa thuận cũng không xác định rõ tên đặt cho từng tiểu bang và đây là một vấn đề gây tranh cãi khác nữa.

Mặc dù vậy, giới lãnh đạo của tất cả các bên đều ca ngợi thỏa thuận này là có tính cách lịch sử. Họ nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp Nepal tái thiết sau các trận động đất hồi tháng 4 và tháng 5.

Thảm hoạ này đã giết chết ít nhất 8.700 người và được coi là một động lực đã giúp Nepal tiến tới hòa giải chính trị.

Giới lãnh đạo Nepal đã bắt đầu làm việc để soạn một bản hiến pháp từ năm 2008 sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy kéo dài 10 năm của các phần tử theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông

Cuộc giao tranh đã cướp đi mạng sống của 13.000 người, trước khi chấm dứt bằng một hòa ước lịch sử vào năm 2006.