Nga chuẩn bị cho ‘nhiều chục năm’ chịu chế tài của phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói việc dỡ bỏ mọi chế tài áp đặt đối với Nga sẽ là một trong những điều kiện hòa bình về Ukraine.

Các lệnh chế tài kinh tế do phương Tây áp đặt đối với Nga sẽ duy trì trong nhiều thập niên ngay cả khi có một giải pháp hòa bình ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga nói hôm 16/8.

Nga đã trở thành quốc gia bị phương Tây chế tài nhiều nhất sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, vượt qua Iran và Triều Tiên. Bất chấp áp lực, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,7% trong nửa đầu năm nay.

“Đây là câu chuyện của nhiều thập niên tới. Bất kể diễn biến và kết quả của một giải pháp hòa bình ở Ukraine như thế nào, thì trên thực tế, đó chỉ là một cái cớ”, ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao cho biết.

“Các chế tài thoạt đầu được đưa ra sớm hơn nhiều. Mục tiêu cuối cùng của chúng là cạnh tranh không lành mạnh”, ông nói với một diễn đàn thảo luận ở Moscow.

Hội thảo có tiêu đề “Các chế tài đối với Nga - tiến tới vô tận?” là một phần của cuộc tranh luận rộng hơn trong chính trường và giới kinh doanh của Nga về việc liệu Moscow có nên làm việc hướng tới việc nới lỏng các chế tài hay chấp nhận chúng như một thực tế lâu dài và học cách làm việc để lách chúng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng việc dỡ bỏ mọi chế tài áp đặt đối với Nga sẽ là một trong những điều kiện hòa bình của ông. Nhiều doanh nhân Nga không hài lòng về các chế tài nhưng lại sợ mất tài sản nếu họ chống lại ông Putin hoặc các quan chức quân sự và tình báo cấp cao trong thời chiến.

Tuần trước, tỷ phú Oleg Deripaska đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ những người theo chủ nghĩa diều hâu sau khi đưa ra tuyên bố phản chiến hiếm hoi, mô tả cuộc xung đột là “điên rồ” và kêu gọi ngừng bắn không cần điều kiện tiên quyết.

Ông Birichevsky cho biết các chế tài có một số lợi ích, buộc Nga phải tái cấu trúc nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng hơn, vốn trước đây được nhập khẩu từ các nước phương Tây.

“Vào những năm 1990, chúng tôi nghĩ rằng nếu có dầu và khí đốt, chúng tôi có thể mua mọi thứ khác ở nước ngoài. Bây giờ chúng tôi không thể mua được những thứ đó”, ông nói.

Ông cảnh báo rằng “vòng xoáy chế tài” sẽ tiếp tục gây ra nhiều đau đớn hơn, vì các cơ quan quản lý của phương Tây nhắm vào các lĩnh vực chưa bị trừng phạt.

Các quan chức phương Tây đã gây sức ép lên các đối tác thương mại của Nga, đe dọa sẽ cắt đứt quyền tiếp cận thị trường phương Tây của họ nếu họ hợp tác với Nga, ông Birichevsky nói thêm.

Ông cho biết Moscow đang chia sẻ các chiến lược với các quốc gia bị chế tài khác như Iran, Triều Tiên và Venezuela, nhằm mục đích tạo ra một liên minh “chống chế tài” quốc tế để cùng nhau chống lại áp lực của phương Tây.