Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ sớm phục hồi

Người dân rút tiền mặt từ một Ngân hàng ở Ấn Độ

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng từ lệnh cấm lưu hành bản tệ mệnh giá cao, nhưng sự suy thoái sẽ không kéo dài và nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới này sẽ sớm phục hồi.

Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo trên khi Ấn Độ đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và Thủ tướng Narendra Modi nói Ấn Độ sẽ trở thành một trong những nền kinh tế số hóa đứng nhất thế giới.

Trong một báo cáo công bố vào tuần này, Ngân hàng Thế giới hạ mức dự báo tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc tháng 3 từ 7,6 % xuống còn 7 %. Nguyên nhân là do giá trị tiền tệ của Ấn Độ hai tháng qua có "sự sụt giảm vừa phải" do dân chúng rút khoảng 86 % tiền mặt ra khỏi hệ thống ngân hàng từ khi giấy bạc có mệnh giá cao đã bị cấm lưu hành trong một nỗ lực của chính phủ nhằm tăng lượng dự trữ trong ngân hàng và siết chặt kiểm tra việc trốn thuế.

Dự báo này cũng phù hợp với dự báo của chính phủ Ấn Độ. Chính phủ nói rằng mức tăng trưởng sẽ sụt giảm khoảng 0.5%.

Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng sẽ phục hồi sớm, điều này làm cho các nhà làm chính sách Ấn Độ phấn khởi. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói: "Ấn Độ dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng, với mức tăng trưởng 7,6% trong năm tài chính 2018-2019 và sẽ tăng đến mức 7,8% trong năm tài chính 2019-2020."

Các nhà phê bình chỉ trích lệnh cấm lưu hành tiền tệ bất ngờ như vậy đã làm gián đoạn nghiêm trọng sự phát triển nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào tiền mặt và cảnh báo rằng hậu quả sẽ còn kéo dài.