Ngày Hội ẩm thực Pháp

Ảnh tư liệu một nhà hàng ở thành phố Lyon, Pháp.

Mặc dù ở Pháp đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng có nhiều kịch tính, được dư luận bàn tán sôi nổi, cuộc sống xã hội vẫn dành thời gian trao đổi sôi nổi và thú vị chuẩn bị cho ngày Hội ẩm thực Pháp - "Le gout de la France" (Hương vị của nước Pháp), sẽ diễn ra trên khắp nước Pháp vào ngày 21/3.

Năm 2010, UNESCO (Ủy ban Giáo dục - Khoa học -Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) đóng trụ sở tại Pháp đã quyết định công nhận nền ẩm thực Pháp (La Cuisine Française) là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Hàng năm nước Pháp tổ chức ngày "Hương vị của nước Pháp" để vinh danh, tô đậm truyền thống đặc sắc này.

Mọi loài có ăn mới tồn tại, phát triển. Ẩm thực là sáng tạo không ngừng của loài người, ở mỗi dân tộc, mỗi nước lại có những nét truyền thống khác nhau, những giá trị văn hóa ẩm thực khác nhau. Ẩm thực, ăn và uống ngày càng trở nên một khoa học và nghệ thuật hệ trọng của loài người.

Nước Pháp được coi là nước có nền ẩm thực phát triển cao, rất đặc sắc, tài nguyên phong phú, nguyên liệu dồi dào, khí hậu hài hòa, bếp núc đa dạng, kỹ thuật đun nấu hiện đại, cái lưỡi con người lại sành ăn, sành uống, nếp sống con người lịch sự, tinh tế, nhạy cảm.

Năm nay ngày Hội ẩm thực Pháp có nét gì đặc biệt? Thủ đô Paris, các thành phố Marseille, Lyon, Toulouse, Lille, Bordeaux sẽ có đông khách hơn vào dịp cuối xuân, đầu hè, các khách sạn thay trang trí cho hấp dẫn với những quảng cáo thức ăn mới, đặc biệt là đồ thủy sản, cá, tôm, cua, mực, sò, rong biển… với các món bouillabaisse và bourride độc đáo, các đĩa đầu bê hầm, thịt cừu nhừ với ca rốt, khoai tây, món khai vị gan ngỗng "foie gras" cùng hàng trăm loại pho-mát khác nhau... Năm nay, các cửa hàng ăn Marseille còn đưa các quán ăn lên lưng chừng núi đá ven biển để tăng thêm hương vị đặc sắc cho các bữa nhậu, giữa trời cao biển rộng.

Báo Le Monde số ra đầu tháng 3 cho biết ngày "Hương vị của nước Pháp" năm nay còn được chuẩn bị khẩn trương ở Cộng hòa Liên bang Đức, ở Ba Lan, ở Nga, nơi có nhiều khách sạn và quán ăn Pháp. Ở châu Á, riêng ở Trung Quốc, 800 nhà hàng do người Hoa hoặc người Pháp quản lý sẽ tham gia ngày hội ăn uống này. Ở Brazil cũng có hàng trăm khách sạn và quán ăn có đầu bếp Pháp sẽ tham gia ngày hội ẩm thực này.

Nước Pháp là nước có nhiều trường lớp đào tạo và bổ túc cho nghề nấu ăn bậc nhất thế giới.

Nước Pháp cũng là nước cung cấp nhiều đầu bếp thiện nghệ cho toàn thế giới. Tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ, và tại Hoàng gia Anh quốc, các đầu bếp chính phần lớn là người Pháp. Họ mang danh hiệu "Chef Cuisinier" (Đầu Bếp), một danh hiệu được xã hội nể trọng. Có Chef d'État (Quốc trưởng), có Chef du Gouvernement (Thủ tướng), nhưng khi nói ''Chef'' trống không thì ai cũng hiểu đó là nhà đầu bếp danh tiếng, được xã hội quý mến, đánh giá cao vì mang lại những hương vị độc đáo cho cuộc sống đời thường.

Các cuộc thi các nhà bếp tài năng trên màn ảnh Pháp luôn thu hút đông người xem. Được phong "Nhà bếp cấp cao" là một chức vị xã hội được ngưỡng mộ, còn là nguồn gốc để đạt cả danh tiếng lẫn giàu sang, trên đất Pháp, cũng như khắp thế giới, từ Thượng Hải đến Tokyo, từ Moscow đến Berlin, từ Toronto đến Buenos Aires.

Nước Pháp đứng đầu về đón khách du lịch cũng nhờ nền ẩm thực đặc sắc của mình. Tuổi trẻ Pháp không ít người lựa chọn ngành ăn uống, nhà hàng, khách sạn, làm bánh mì, bánh gatô để vào đời, lập nghiệp, với niềm ham mê, hứng khởi đặc biệt. Pháp coi trọng hàm răng khỏe và cái lưỡi tinh nhạy của con người.

Các nhà xuất bản Pháp thu nhập cũng khá lớn trong việc xuất bản sách, sổ tay dạy nấu nướng.

Một nét mới là nền ẩm thực Pháp đóng góp khá lớn cho nền ẩm thực quốc tế, đồng thời cũng thừa hưởng rất nhiều kinh nghiệm quý của mọi nơi. Một đầu bếp Pháp trên đường Champs Elysées cho tôi biết ẩm thực Việt Nam với món phở truyền thống cũng được nhập vào nước Pháp một cách sâu rộng. Các gia vị Việt Nam quen dùng như gừng, nghệ, quế, hành ta, tỏi, xả, lá hẹ, lá răm, húng quế, thìa là, diếp cá, rau mùi, ớt… cho đến cốm, quả gấc, khoai sọ... được các đầu bếp và các bà nội trợ Pháp nay đã quen dùng, vì các hương vị tinh tế thôn dã đặc trưng.

Nhân dịp này, cũng cần nói thêm là ở Pháp cả ngành ăn và ngành uống đều phát triển cao.

Người Pháp tiêu thụ rượu đỏ Bordeaux và rượu Champagne theo đầu người là cao nhất thế giới, có truyền thống dùng rượu rất sành sỏi, tinh tế, biết phân biệt hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ, hương vị khác nhau, món thịt, cá nào đi với loại rượu nào, không thể lẫn lộn được.

Rồi lại còn loại bánh mì thon nhỏ giòn tan mang tên dễ thương "baghét" (baguette), các loại bánh gatô thơm mang đủ loại hương vị hoa quả lê, táo, dâu, mận, chanh, xòai, dừa, dứa, chưa nói đến hàng trăm loại "nước sốt" (sauces) khác nhau để trộn lên các loại rau, cá, thịt.

Nói về ẩm thực nước Pháp, cũng không thể bỏ qua các nghi thức, tập quán, phong tục ăn uống rất tỉ mỉ, tinh xảo, từ các loại đĩa, bát to nhỏ, nông sâu, các loại cốc, chén, dao, thìa, nĩa bằng nhiều thứ kim loại, xếp đặt ra sao trên bàn ăn, rồi các loại khăn trải bàn, khăn ăn cho từng thực khách, cách phục vụ tỉ mỉ, tinh tế, nhẹ nhàng mang vẻ quý phái, thành ra các quy định lễ tân trong ăn uống mà mọi người phải tuân theo thích ứng cho phải phép, đúng điệu.

Triết lý sống dân dã của người Pháp là lao động, thương yêu và hưởng thụ. Ẩm thực là lĩnh vực của hưởng thụ, là văn hóa xã hội, là tận dụng cuộc sống cho vui, cho đẹp, cả về vật chất, lẫn tinh thần và văn hóa, làm nên bản sắc của một dân tộc.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.