Ngày Nảy, Ngày Nay (Tức Trịnh Hội v. Công An – Tập 5)

ນໍ້າຕົກຄອນພະເພັງໃນແຂວງຈໍາປາສັກ ໃນພາກໃຕ້ຂອງລາວ

Sáu tháng đầu sau khi tôi trở về Việt Nam làm việc không có gì đáng nhắc. Sáng 7 giờ thức dậy để 8 giờ có mặt ở văn phòng. Chiều về có khi đến 8, 9 giờ tối tôi mới về đến nhà. Ăn uống, tập thể dục, tắm rửa xong sau đó lên mạng liên lạc với gia đình, bè bạn… thế là hết một ngày. Một ngày sau khi phải học thêm hàng trăm, hàng ngàn thứ khác lạ ở Việt Nam. Từ việc đọc và học tất cả những nghị định, thông tư chính phủ liên quan đến công việc chuyên môn của mình (tương đối dễ) cho đến việc tìm một ngôi nhà tương xứng, vừa túi tiền (hoàn toàn không dễ) và thấy được sự hữu dụng của mình đối với xã hội (hoàn toàn không thể).

Nhưng đổi lại, tôi tìm lại được không khí thân yêu, đùm bọc của hai bên gia đình nội, ngoại và bà con xa gần. Là con trai một, lại là cháu đích tôn trong gia đình, đây là lần đầu tiên tôi có dịp sống gần đại gia đình sau gần 25 năm chia cách. Mười năm trước tôi sống và làm việc ở Hà Nội. Mười năm sau tôi đã có dịp sống gần ông, bà để cuối tuần chủ nhật nào tôi cũng ghé thăm và ôn lại chuyện… ngày xửa, ngày xưa. Kể cả chuyện cái loa yêu cầu không đẻ của mười năm trước!

Với số lương luật sư ngoại quốc được trả tương đối khá hơn so với mức lương trung bình ở Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có dịp giúp đỡ bà con trong gia đình mà không cần suy nghĩ nhiều. Vì thật ra họ không cần gì nhiều. Hai, ba trăm đô để giúp cho mấy đứa cháu được tiếp tục đi học. Hoặc cho các cô, các chú mượn tiền không lấy lời để họ có thể làm ăn, buôn bán nuôi sống gia đình. Những việc làm này, tuy nhỏ, rất riêng tư và không liên quan gì đối với chuyện đất, chuyện nước quan trọng hơn nhưng tôi nghĩ nó lại là những hành động thiết thực và có nhiều ý nghĩa đối với đa số thành phần có ăn, có học ở Việt Nam. Kể cả một thành phần nhỏ Việt Kiều về lại Việt Nam để làm việc như tôi.

Không như thế hệ trẻ sau này lớn lên ở hải ngoại, tôi nhận thấy phần lớn các bạn cùng lứa hoặc trẻ hơn ở Việt Nam đều phải phụ giúp cho gia đình, không ít thì nhiều. Nếu không phải phụ giúp cho chính gia đình mình thì cũng là ba, mẹ mình. Hoặc ông, bà, cô, bác, chú, dì, anh em họ… thậm chí đến hàng xóm tôi thấy đôi khi họ cũng phải giúp đỡ. Vì có những hoàn cảnh quá thương tâm, ngặt nghèo. Đấy là chưa kể đến bạn bè và những người không quen biết gì với mình nhưng họ rất cần… tiền của mình.

Vì ở Việt Nam, đồng tiền đóng một vai trò rất quan trọng. Quan trọng hơn nhiều so với ở Mỹ hay ở Úc. Người không có tiền luôn có thể cảm nhận sự thiếu thốn và cần thiết của đồng tiền. Và người có nhiều tiền luôn được đối xử như - và từ đó tự cho mình là - một người rất quan trọng.

Tôi đồng ý là tiền không phải, không nên và không thể là điều quan trọng nhất trong đời. Nó không mang lại hạnh phúc cho mình. Nhưng ở Việt Nam, nếu bạn không có tiền thì coi như bạn không có gì cả. Vào nhà thương nếu không có tiền coi như bạn khỏi mua thuốc. Cũng như sẽ chẳng có ai chịu khám bệnh cho bạn. Tôi đã từng phải nuôi ông cậu ruột của tôi trong bệnh viện nên tôi biết. Nếu không có tiền, ông ấy đã chết từ hồi tôi mới về chứ đừng nói là lấy lại được sức khỏe để sống cho đến ngày hôm nay. Vì các bạn có biết không, ở Việt Nam, người nhà phải nằm trực suốt ngày sáng đêm bên con bệnh đợi đến khi y tá khám thấy cần uống thuốc thì sẽ cho toa để bạn đi mua thuốc. Sau đó bác sĩ mới đến khám và cho uống thuốc!

Nếu bạn không có mặt ở đó, hoặc không có tiền để mua thuốc thì con bệnh kể như đi…. đoong.

Tiền cần là thế.

Tôi còn nhớ vào khoảng đầu năm 2008, đi đâu tôi cũng nghe người ta hỏi nhau: mày có nghe gì không?

Tôi về bên nhà nội cũng nghe mấy cô hỏi:

- Hội, con có nghe gì không?

- Nghe cái gì cô?

- Trời, gạo nó lên mấy bữa nay mà con không biết hả?

- Nó lên bao nhiêu mà cần phải lo cô?

- Trời ơi, hôm qua chỉ có 10 ngàn một ký mà bữa nay nó lên tới 12 ngàn! Gạo mà nó lên kiểu này thì làm sao mà sống nổi!, bà cô tôi vừa than vừa chép miệng lắc đầu thở dài.

Thành thật mà nói lúc tôi vừa mới nghe cô tôi than thì trong đầu tôi liền nghĩ: Có vậy mà cũng lo. Gạo từ 60 cents tăng lên 70 cents một ký, có gì đâu. Đúng là cô có quá dư thì giờ để lo xa. Từ lúc con về Việt Nam đến giờ nói thật gạo bao nhiêu đồng một ký con còn không biết, biết đến chi nó lên những hai ngàn!

Nhưng trên đường về nhà, tôi nghĩ lại mới thấy rõ là mình còn cần học rất nhiều điều. Sống ở Việt Nam nhưng chưa chắc là mình đã biết rõ những gì người dân họ thật sự cần, thật sự lo cho gia đình. Trước khi họ có thể nghĩ đến xã hội và những gì cần phải được thay đổi.

Họ có thể hoàn toàn không thích thể chế hiện tại. Họ cũng không ưa gì chế độ độc tài đầy rẫy những người tham quyền, tham tiền đang ngồi trên đầu họ. Nhưng việc đầu tiên họ cần phải lo là nuôi sống cho gia đình họ, cho con cái họ. Lo sao cho có đủ tiền để trả tiền học cho con. Lo sao cho bữa cơm có thêm thịt, thêm cá. Và sau đó nếu có thể là đủ dư để sắm một cái computer cho cả nhà xài. Hoặc để giúp đỡ người thân. Để phòng thân.

Điều này một phần nào đó giải thích tại sao ít có người trí thức ở Việt Nam dám lên tiếng phản đối mỗi khi có chuyện bất công xảy ra ngay tại nơi họ đang cư ngụ. Nhất là khi nó đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến đất nước vì công an có thể đến hỏi thăm sức khỏe bất cứ lúc nào. Và miếng cơm, manh áo, sức khỏe cá nhân, tình cảm gia đình sẽ bị ảnh hưởng hoàn toàn không có gì bù đắp hay ai san sẻ.

Nhận thức được như thế mới thấy việc tranh đấu cho một đất nước Việt Nam dân chủ, hùng mạnh không phải một sớm một chiều sẽ thành công như ý muốn. Cũng như chúng ta cần phải cảm phục hơn những ai đã dám từ bỏ những ước muốn tầm thường, cơ bản nhất của mỗi người để mong có thể đạt được một lý tưởng chung cao đẹp hơn cho cả dân tộc Việt Nam.

Hôm nay viết đến đây tôi xin tạm dừng. Mặc dù tôi biết là tôi vẫn chưa đả động gì đến chuyện riêng giữa tôi và mấy anh công an nhà ta. Vì xin các bạn hiểu cho, tôi không phải là một nhà văn. Và bài viết này càng không phải là một bài lý luận để trình bày một sự việc cần có trình tự hẳn hoi có đáp án ai đúng, ai sai. Tôi cũng không có ý định bôi bác mấy anh công an đã từng tra khảo tôi. Hoặc để than vãn, kể lể. Tôi nhớ chừng nào thì viết đến chừng ấy. Vừa cho mình để nhớ lại “một thời đã qua”, vừa cho các bạn đọc xa gần thích đọc những chuyện tầm phào mà tôi muốn chia sẻ. Phần lớn tôi viết theo cảm tính. Và cũng vì thế xin các bạn cố thông cảm. Ngày mai tôi sẽ viết tiếp.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.