Ngày Nảy, Ngày Nay (Tức Trịnh Hội v. Công An - Tập 9)

Ngày Nảy, Ngày Nay (Tức Trịnh Hội v. Công An - Tập 9)

Hôm bước ra khỏi Cục quản lý xuất nhập cảnh nằm trên đường Nguyễn Trãi, tình thật mà nói tôi nghĩ thế là xong. Họ chỉ có thể hỏi đến từng ấy và tôi chỉ biết có từng ấy để trả lời. Tôi về Việt Nam làm việc đã được 6 tháng nhưng chưa tham gia vào hội đoàn nào cả, cũng chưa lên tiếng về vấn đề gì thì thiết nghĩ còn chuyện gì để hỏi?

Vậy mà tôi sai. Chỉ vài ngày sau tôi lại được kêu lên tiếp. Nhưng lần này người nói chuyện trên đầu dây điện thoại phía bên kia không phải là anh công an mà tôi đã gặp nhiều lần trên phim trường mà là một người tự xưng là Vũ đang làm việc với Cục. Cũng với giọng nói khá nhẹ nhàng của người Bắc, anh yêu cầu tôi trở lại Cục để làm việc.

Vũ còn khá trẻ. Chắc phải nhỏ hơn tôi vài tuổi. Ngày đầu gặp mặt, Vũ lại không mặc đồng phục nên trông tôi và cậu ta cứ như là hai người bạn đồng hẹn gặp nhau ở… đồn công an để tán dóc. Mà thật ra nếu như nơi đó không phải là đồn công an mà là ở quán bar nào đó, hay nhà của ai đó thì những điều tôi bị hỏi và trả lời đều hoàn toàn có thể là những đề tài để tán dóc!

Vì đầu tiên Vũ hỏi tôi về Việt Nam để làm gì. Và cũng như lần trước tôi đã thành thật trả lời là tôi được chuyển về Việt Nam để làm việc cho công ty. Sau khi viết ra văn bản hẳn hoi, Vũ lại hỏi tiếp ở hải ngoại tôi làm gì, cuộc sống ra sao. Tình thật có sao tôi cũng trả lời y vậy. Tôi ra trường ở Melbourne năm mấy, lên Sydney làm luật sư được bao lâu, qua Hồng Kông làm việc bao nhiêu lần, với ai, sang Philippines trong trường hợp nào, hoạt động ra sao, rồi đến lúc nào tôi mới sang Mỹ, làm MC, v.v… Nói tóm lại tôi đã phải trả lời rất nhiều về thân thế và sự nghiệp của mình mặc dù chính mình cũng chẳng biết sự nghiệp của mình là gì!

Tôi trả lời đến đâu Vũ lại viết xuống đến đấy. Thật ra đầu tiên Vũ bảo chính tay tôi phải viết xuống những điều tôi khai. Nhưng vì tôi chỉ vừa viết vài câu là Vũ đã không hài lòng nên cuối cùng tự Vũ đã phải viết lấy. Tôi thấy hình như cách tôi viết Vũ không thích gì mấy.

Tôi mở đầu biên bản bằng hai chữ ‘Biên Bản’.

Vũ gạch đi bảo tôi đầu tiên phải viết rõ hai hàng: ‘Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc’.

Oh. Có cần thiết lắm không? Biên bản do chính tôi viết cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ đâu phải đó là biên bản của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam viết gửi cho tôi vì vậy cần gì phải ghi hai hàng chử chẳng liên quan gì đến tôi?

Vũ không trả lời thẳng cho câu hỏi của tôi mà chỉ bảo tôi cần phải viết y như thế. Một vài hàng sau, Vũ lại phải sửa câu văn của tôi vì Vũ bảo là tôi không được viết thẳng như vậy. Hoặc những chi tiết mà tôi đưa ra không cần thiết (thí dụ như tôi quyết định sang Hồng Kông làm việc vì tôi thích và không cần phải xin phép ai khi quyết định sang Philippines!).

Oh. Thế thì Vũ hỏi tôi để làm gì? Bạn hỏi tôi tại sao tôi sang Hồng Kông thì tôi chỉ có thể trả lời là tôi thích, thế thôi. Đâu còn lý do nào khác. Bạn lại hỏi tôi đã phải xin phép ai khi sang Philippines làm việc thì vì sự thật tôi đã không xin phép ai, tự mình qua đó lập văn phòng, nên tôi đã ghi ra y như thế. Sao bây giờ bạn lại gạch bỏ?

Bôi tới, bôi lui cuối cùng Vũ phải tự viết xuống những điều tôi khai. Và sau khoảng 3, 4 giờ làm việc cùng nhau biên bản đã hoàn tất. Vũ bảo tôi ký tên vào. Chắc cũng phải trên dưới 10 trang. Và tuy cách hành văn hoàn toàn không phải là của tôi cuối cùng tôi cũng đã đồng ý ký tên vào vì suy ra tôi thấy cũng không có gì khác biệt mấy với lời tôi khai. Chỉ có điều có rất nhiều điều tôi khai, giải thích tại sao tôi làm việc này, việc nọ hoàn toàn không được ghi nhận trong biên bản.

‘But that’s OK’, tôi đã tự an ủi mình như vậy trước khi ra về. Một điều nhịn, chín điều lành. Nhất là đối với một thằng như mình đang được các anh công an Việt Nam chiếu cố.

Nhưng điều lành đâu không thấy tới, tôi chỉ thấy ngày nào cũng phải gặp những người…không lành. Hôm thì Vũ với một anh công an trẻ khác cùng điều tra về vấn đề tỵ nạn Philippines. Tôi đã liên lạc với những ai, làm thế nào để tranh đấu cho họ đi định cư. Tôi bảo ở ngoại quốc tôi tự động liên lạc thẳng với các dân biểu, thượng nghị sĩ, từ Úc sang tới Mỹ hoặc Canada. Không cần ai giới thiệu và cũng chẳng cần phải nhờ ai đỡ đầu. Sự thật là thế nhưng có vẻ như họ không tin tôi.

Họ cứ cố gặng hỏi: nhưng anh làm cho tổ chức nào? Ai giới thiệu cho anh đến gặp những người dân biểu? Anh có bằng chứng gì để chứng tỏ là anh không làm việc cho bất cứ tổ chức nào?

Trời! Nếu tôi không làm việc cho bất cứ một ai thì làm sao tôi có bằng chứng để đưa ra? Mình không thể nào có bằng chứng cho một điều chưa từng xảy ra, Vũ hiểu chứ?

Bất cần. Vài hôm sau tôi lại được Vũ gọi lên để tiếp tục điều tra. Và điều tra tiếp. Hôm thì người này. Lần sau đổi hai người khác. Rồi lại khác nữa, khác nữa. Điều trùng hợp duy nhất là họ toàn là người Bắc. Và họ chỉ biết khư khư cố tìm sao ra cho được cái tổ chức ma nào đó mà tôi đang cộng tác chung.

Tuần này sang tuần khác. Tháng này sang tháng khác. Lần đầu tiên trong đời tôi đã có dịp vật lộn cùng một lúc với hai bộ: bộ phim tôi đang đóng và bộ Công an Việt Nam (hai cái bộ này hình như không ăn nhầm gì nhau!). Nếu tối tôi bận đi quay thì ban ngày tôi phải đến trình diện. Nếu cả đoàn phải xuống đến tận Sóc Trăng để quay thì sau khi quay xong tôi phải ngay lập tức trở về Nguyễn Trãi để tiếp tục công việc điều tra chưa hoàn tất.

Buồn cười là thế. Bởi vậy khi nhận được tin tôi đoạt giải nam diễn viên xuất sắc hồi đầu năm, có thể nói tôi mới là người ngạc nhiên nhiều nhất. Vì trong suốt 2 tháng đi quay, không ngày nào là tôi không lo. Ở phim trường tôi được biến thành một Việt Kiều rất ư là bảnh bao lần đầu tiên về Việt Nam quen thân với biết bao cô gái trẻ đẹp. Nhưng vừa nghe hô tiếng ‘Wrap’ xong của đạo diễn là tôi lại phải trở về với thực tại và các cục mà tôi đang cố… nín thở để bước qua.

Nhưng nín hay không nín thì tôi cũng không làm được gì và họ cũng không tha cho tôi. Ngay sau đêm quay cuối cùng tôi đã được gọi lên để gặp sếp của Vũ. Vũ bảo vậy. Và lần này tôi phải đến trình diện ở ngay cổng của Bộ Công an nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, phía bên kia đường Nguyễn Trãi.

Khác với Vũ và những người công an khác, người đàn ông này đã lớn tuổi, mặc đồng phục hẳn hoi và với khẩu súng lục giắt bên hông, ông ta trông có vẻ ‘bậm trợn’ hơn. Không cần những lời chào hỏi xã giao thông thường, ông ta vào thẳng vấn đề và cho là tôi chưa thành thật khai báo.
Ông ta bảo: “Chúng tôi đã biết tất cả những hoạt động của anh, kể cả chức vụ của anh trong tổ chức. Vì vậy tốt nhất là anh cần khai báo đầy đủ, nếu không sẽ có vấn đề.”

What? Hoạt động? Tổ chức? Chức vụ? Có thiệt không đây?

“Xin lỗi anh, anh có thể cho em biết là anh đang nói về vấn đề gì không ạ”, tôi vẫn đang muốn tìm hiểu xem ý ông ta là gì.

“Tôi nói là chúng tôi đã biết hết tất cả những hoạt động của anh và người của các anh đã gửi cho chúng tôi tất cả những bằng chứng kể cả chức vụ quan trọng của anh trong tổ chức”. Ông ta tuyên bố rất chắc chắn.

“Xin lỗi anh, từ lúc bắt đầu làm việc với mấy anh cho đến bây giờ em đã cho mấy anh biết là em chưa bao giờ làm việc cho bất kỳ một tổ chức nào và cũng không có chức vụ gì ngoại trừ tổ chức thiện nguyện VOICE mà em và các bạn lập ra để giúp người tỵ nạn”. Tôi vẫn đang cố gắng nhịn để từ tốn giải thích như nhiều lần trước đó.

Nhưng ông ta thì không. Vừa hùng hổ chụp mũ, vừa nhạo báng tôi, ông ta lên giọng:

“Đã là Ủy viên Trung ương của Đảng Việt Tân rồi thì cần gì phải chối?”
What?!!! Việt Tân? Ủy viên Trung ương? Đầu tôi cứ như bị quay vòng nhưng ngoài mặt tôi vẫn đang cố dùng lý trí để giải thích:

“Xin lỗi anh, anh quy kết em như vậy nhưng anh có bằng chứng gì không?”

Dùng tay phất phất tỏ ý câu tôi hỏi là tầm phào, ông ta phớt lờ và trả lời như ra lệnh:

“Bằng chứng thì chúng tôi đã có đầy đủ. Bây giờ chúng tôi cần anh thành thật khai báo để xem chúng tôi sẽ phải giải quyết trường hợp của anh như thế nào. Thế thôi. Anh không hợp tác thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

“Là những khó khăn gì, anh có thể cho tôi biết được không”, hình như đến lúc ấy tôi đã thật sự tức giận từ lúc nào mà chính tôi cũng chẳng biết.

“Anh đừng thách chúng tôi”, ông ta gằn giọng.

“Tôi không dám thách ai nhưng tôi cũng không thể nào tin được là tôi bị các anh vu khống như thế. Ngay trước mặt tôi mà không cần bất cứ bằng chứng nào. Một lần nữa, tôi có thể khẳng định là tôi chưa bao giờ tham gia vào đảng Việt Tân và tôi cũng chẳng biết ủy viên trung ương là cái quái gì thì thử hỏi làm sao mà tôi không tức”, vừa nói tôi có cảm giác như giọng nói của mình vừa bị nghẹn lại.

Nhưng đối với ông ta hình như thái độ của tôi chẳng có nghĩa lý gì. Ông vẫn tiếp tục vu cáo, lần này lên giọng trịch thượng hơn:

“Anh đừng cãi chầy cãi chối nữa. Anh học cao, hiểu rộng, phải biết lúc nào là cần hợp tác. Đừng quá cứng đầu để rồi mang hậu quả về sau…”

Lời qua, tiếng lại, tôi đã lớn tiếng sẵng giọng hồi nào chẳng hay. Đưa tay chỉ vào khẩu súng đang nằm trên lưng của ông ta, tôi nhìn thẳng vào mặt ông nói rõ:

“Anh đang có súng trên tay. Anh có thể lên đạn để lên màng tang tôi ngay bây giờ để hỏi xem tôi có phải là đảng viên của đảng Việt Tân hay không. Ngay cả khi anh bảo là anh sẽ bắn nếu tôi chối, tôi cũng sẽ nói tôi không phải là đảng viên của đảng Việt Tân”.

Ngồi đây ghi lại những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian ấy, tôi vẫn còn nhớ rất rõ những cảm giác mà mình trải qua trong từng phút, từng giây: buồn có, chán có, lo có…Nhưng cảm giác mạnh nhất, đậm nhất vẫn là sự tức giận. Tức giận vì bị vu khống. Tức giận vì họ đã có thể nói láo một cách trắng trợn mà hoàn toàn không thèm đếm xỉa gì đến sự thật, đến sự chân thành trong từng câu trả lời của tôi.

Tôi nhìn thẳng, trừng trừng vào mắt ông ta, nghiến chặt răng cố đừng để rơi nước mắt thế vậy mà tôi đã thất bại. Hôm trước trên phim trường, cả ngày lẫn đêm tôi đã cố rất nhiều nhưng không thể nào khóc được cho một cảnh quay khi tôi phải nói lời tạm biệt với người yêu. Thế vậy mà hôm nay chỉ sau vài ba giờ với một người công an không ra gì, tôi đã để mình rơi nước mắt.

Thành thật mà nói những gì xảy ra sau đó tôi không còn nhớ rõ. Hình như ngay lập tức ông ta bỏ ra ngoài và Vũ trở lại báo cho tôi biết là tôi có thể về để hôm khác lên làm việc tiếp.

Ngồi vào taxi quay đầu nhìn lại thấy Vũ vừa bước trở vào cổng chính của Bộ Công an, tôi có cảm giác như mình vừa mới từ địa ngục trở về. Và thất vọng. Thất vọng với hiện tại của đất nước Việt Nam. Thất vọng với những người Việt Nam tôi vừa gặp đã không còn là người. Nhưng bao trùm lên tất cả là một sự thất vọng rất lớn đối với chính bản thân mình.

Cho đến hôm nay tôi cũng không hiểu tại sao.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.