Ngộ độc thực phẩm

Khách hàng không mua xà-lách romaine tại một chợ thực phẩm ở California khi có tin xà-lách này bị nhiễm vi-rút E-coli gây ngộ độc thực phẩm (ảnh tư liệu ngày 20/11/2018).

Ngộ độc thực phẩm là vấn đề cần quan tâm của mọi người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2010 trên thế giới có 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, làm cho 420.000 người chết. Ngay cả ở Mỹ, nơi mà thực phẩm được quản lý chặt chẽ, mỗi năm có 48 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, làm cho 128.000 người phải nhập viện với 3.000 người chết.

  1. Bệnh xẩy ra sau khi ăn đồ ăn bị nhiễm, làm cho: đau bụng, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, buồn nôn, nôn mửa. Bệnh có thể nhẹ, tự hết sau 1-2 ngày. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt, đi cầu có máu, nôn mửa nhiều, khát nước, mệt mỏi, xây xẩm, chóng mặt....có khi thấy mờ mắt, tê chân tay, yếu liệt.
  2. Những trường hợp nặng thường xẩy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận, bị giảm miễn dịch do điều trị bằng hoá chất, đã được ghép tạng hay bị bệnh liệt kháng.
  3. Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các vi sinh vật từ lúc sản xuất thực phẩm đến khi chế biến, tồn trữ, phân phối và khi chuẩn bị bữa ăn. Các vi sinh vật thường là các vi khuẩn đường ruột, cũng có thể là siêu vi, ký sinh trùng, hoặc độc chất như nấm độc hoặc chất độc từ môi trường hoặc từ vi khuẩn. Trong trường hợp nhiễm chất độc, triệu chứng xẩy ra rất nhanh trong vòng một vài giờ sau khi ăn và thường là nặng.
  4. Trong trường hợp nhẹ bệnh tự hết trong 1-2 ngày, người bệnh có thể ăn đồ ăn nhẹ, uống nhiều nước, có thể pha một dung dịch gồm 1 muỗng cà phê muối, 4 muỗng cà phê đường vào 1 lit nước đun sôi để nguội để uống, ở Mỹ có thể uống pedialyte, Gatorade bán tự do, không ăn mỡ và uống sữa trong 3 ngày sau khi đã hết tiêu chảy, để bớt tiêu chảy có thể dùng peptobismole, kaopectate, immodium...bán tự do ngoài quầy, không cần dùng kháng sinh.
  5. Trong trường hợp nặng bệnh nhân có thể sốt hoặc đi cầu ra máu hoặc tiêu chảy kéo dài, có triệu chứng khác thường như mờ mắt, tê chân tay, yếu liệt bệnh nhân cần đi khám bác sĩ. Những người lớn tuổi, hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch không nên tự chữa ở nhà mà cần được thăm khám. Những người bị ói mửa không ăn uống được, cần đi cấp cứu để được nhập viện.
  6. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cần:

a) rửa tay bằng xà bông trước và sau khi làm thức ăn, rửa thớt, các dụng cụ trong nhà bếp bằng nước nóng và xà bông;

b) không để chung thịt cá, đồ biển với các thức ăn khác để tránh lây lan;

c) nấu chín thịt bò ở 160 độ F (71.1 độ C), thịt heo, cừu, bê ở 145 độ F (62.8 độ C), thịt gà, gà tây ở 165 độ F (73.9 độ C), cần luộc trứng đến khi lòng đỏ trở nên cứng;

d) để thực phẩm vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi mua về, nếu nhiệt độ trong phòng trên 90 độ F (32 độ C), cần để thực phẩm vào trong tủ lạnh trong vòng một giờ;

e) làm tan giá thực phẩm bằng cách chuyển thịt từ ngăn đá sang ngăn thường, dùng lò vi sóng, không để thực phẩm ra ngoài để tan giá bằng nhiệt độ trong phòng vì vi khuẩn không sinh sản được khi đông lạnh nhưng lại sinh sản nhanh ở nhiệt độ trong nhà.

f) hãy vứt bỏ thực phẩm nếu nghi ngờ đã không được bảo quản tốt, vì thực phẩm đã để lâu ở nhiệt độ trong nhà có chứa nhiều vi khuẩn và độc chất dù có được nấu chín.

  1. Những sai lầm cần tránh khi làm đồ ăn:
    • Không rửa tay,
    • Ăn thịt tái, rau sống, sữa và nước uống chưa khử trùng,
    • Rửa thịt, vì rửa thịt và trứng làm cho vi khuẩn lan ra bồn rửa đồ dùng, và mặt bàn trong bếp, gây nhiễm cho các đồ ăn khác, chỉ cần nấu chin để diệt vi khuẩn.
    • Gọt trái cây mà không rửa trước, làm cho vi khuẩn ở vỏ trái cây nhiễm vào trong trái cây,
    • Để thịt đã nấu vào đĩa đã đựng thịt sống làm cho thịt đã được khử trùng lại bị nhiễm,
    • Không nấu thịt và trứng đến nhiệt độ cần thiết, trứng tuy có vỏ nhưng đã bị nhiễm trong bộ phận sinh dục của gà trước khi vỏ hình thành;
    • Nếm đồ ăn xem còn tốt hay không, vì đồ ăn có thể đã bị nhiễm nhưng vẫn tốt khi nếm, mặt khác, một lượng nhỏ đồ ăn vẫn có thể gây ngộ độc,
    • Làm tan giá đồ ăn bằng cách để ra ngoài dùng nhiệt độ ở trong nhà vì nhiệt độ ấm của môi trường giúp cho vi khuẩn sinh sản lại rất nhanh (sự đông lạnh không diệt hết vi khuẩn, chỉ làm chúng không sinh sản được);
    • Để đồ ăn ở nhiệt độ trong nhà quá 2 giờ, trong trường hợp này phải đun nấu lại và để vào tủ lạnh.
  2. Người đi du lịch dễ bị tiêu chẩy, nhất là khi đến những vùng mà tình trạng vệ sinh về nước uống và thực phẩm còn chưa tốt. Cần uống nước đun sôi để nguội, không đánh răng hoặc uống nước máy, không dùng nước đá làm từ nước không khử trùng, cần thận khi dùng nước chai vì điều kiện đóng chai ở địa phương không hoàn hảo. Không ăn trái cây mà không gọt vỏ, không ăn rau sống, không uống sữa chưa được khử trùng, không ăn thịt tái, cá và sò hến chưa chín.

Ngày nay với tình trạng phát triển về kinh tế, ta có thể cung cấp nước sạch cũng như mang điện đến các vùng xa vùng sâu, mong rằng mỗi hộ gia đình đều có một cái tủ lạnh để bảo quản đồ ăn và với sự hiểu biến cơ bản về vệ sinh ta có thể hạn chế được các trường hợp nhiễm khuẩn và nhiễm độc thực phẩm.

Ngày 26-10-2019