Ngoại lệ văn hóa gây trở ngại đàm phán thương mại xuyên Ðại Tây Dương

  • Lisa Bryant

Diễn viên Jean Dujardin trong phim “The Artist” của Pháp.

Các cuộc thương nghị diễn ra hôm nay giữa Washington và Châu Âu để đạt được hiệp ước tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Trong khi các cuộc đàm phán bị che mờ bởi sự phẫn nộ của Châu Âu về chương trình theo dõi Prism của Hoa Kỳ, có thể còn có nhiều trở ngại khác nữa, trong đó có yêu cầu của Pháp đòi được “ngoại lệ văn hoá” để bảo vệ khu vực phim ảnh, truyền hình và giải trí trên mạng của Châu Âu. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant tìm hiểu thêm về một vấn đề cũng đang gây chia rẽ cả người Âu Châu với nhau, và ghi nhận chi tiết trong bài tường trình cho đài VOA.

Vào một buổi tối mùa hè ở phía đông Paris. Dân chúng đang ra ngoài hưởng thú dã ngoại và chơi trò chơi “boules” truyền thống của Pháp…và mua vé đi xem một xuất chiếu tối ở một rạp xem phim địa phương. Trong số các phim được trình chiếu có nhiều phim mới của Pháp.

Nhưng Morelle và Xavier Dupuis có các dự định khác.

Hai vợ chồng Dupuis chọn phim "Superman: Man of Steel". Cặp này nằm trong độ tuổi 30, và Morelle Dupuis nói họ lớn lên cùng với Superman – anh ta là người hùng của họ.

Cuốn phim "The Artist" của Pháp có thể đoạt nhiều giải thưởng Oscar của Hollywood hồi năm ngoái, nhưng khắp Châu Âu, phim ảnh và các chương trình phát thanh cũng như truyền hình của Mỹ đang chiếm ngự các làn sóng và các rạp chiếu phim.

Ngay tại Pháp, là nước đã ấn định các yêu cầu về cô-ta dành ưu tiên cho các sản phẩm Pháp, một số các phim và các chương trình truyền hình được ưa chuộng nhất vẫn là do Hollywood sản xuất.

Nay, trong khi các cuộc đàm phán mậu dịch đang diễn tiến giữa Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ để đạt được một hiệp ước tự do mậu dịch lớn, việc Pháp nhấn mạnh đến việc đòi một “ngoại lệ về văn hóa” có thể tỏ ra là một điểm gây trở ngại.

Chẳng có gì là lạ khi cuộc chiến đòi biệt lệ văn hóa đã gây xáo động trong công nghiệp phim ảnh của Châu Âu. Ngôi sao của phim The Artist là Berenice Bejo đã đưa ra lời bênh vực nhiệt thành cho công nghiệp này tại Nghị viện Âu châu.

Nhưng điều khoản văn hóa cũng gây tranh cãi ngay tại Châu Âu. Chủ tịch Uỷ hội Âu châu Jose Manuel Barroso là một trong những người chỉ trích những người ở Pháp chống việc toàn cầu hóa là “thủ cựu.”

Ông Barroso không đề cập cụ thể đến chính phủ Pháp, và sau đó ông nói rằng văn hóa phải được dành cho sự đối xử đặc biệt trong các cuộc đàm phán thương mại.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Pháp, ông Barroso nói một khối đa số vang dội trong các nước thành viên EU ủng hộ lập trường của ủy hội là không loại trừ một thể loại nào trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, sự bất mãn trước nhận định “thủ cựu” của ông Barroso đã gây tiếng vang lớn trong toàn cảnh chính trị Pháp, từ nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cho đến Thủ tướng theo đảng Xã hội Jean-Marc Ayrault.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, ông Ayrault nói ủng hộ cho biệt lệ văn hoá không phải là thủ cựu. Ngược lại, đó là một khẳng định cần thiết về tính đa dạng văn hóa của thế giới, mà ngay cả ông Barroso cũng phải chấp nhận.

Nhưng đối với chuyên gia phân tích Pháp Philippe Moreau Defarges, cuộc vận động đòi ngoại lệ văn hóa đã bị đánh bại.

Tuy nhiên, vợ chồng Dupuis nằm trong những người tin rằng nên có một điều khoản dành biệt lệ cho văn hóa trong các cuộc đàm phán, bất kể những bất đồng về phẩm chất của phim ảnh Pháp.

Cặp vợ chồng này nói một ngoại lệ như thế sẽ giúp các diễn viên trẻ của Pháp nổi lên và phát triển.

Một người đi xem phim khác, bà Helene Bugult đồng ý như vậy.

Bà Bugaut nói chính phủ có lý khi giúp các sản phẩm Pháp, bởi lẽ thế giới bị thống trị bởi khối người nói tiếng Anh. Bà nói bà xem rất nhiều phim của Pháp.

Nhưng đêm nay thì không. Cũng giống như cặp Dupuis, bà Bugaut đã mua vé đi xem phim Superman.