Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á không có báo chí đi theo

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ công du châu Á trong 4 ngày với Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson có chuyến công du đầu tiên đến châu Á trong tuần này. Hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên nằm cao trong chương trình nghị sự của ngoại trưởng Mỹ.

Khác với truyền thống, sẽ không có nhà báo nào của Mỹ đi cùng Ngoại trưởng Tillerson trên chuyến bay của ông. Một số nhà báo kỳ cựu và các nhà phân tích chính sách đối ngoại phẫn nộ trong khi các nhà quan sát ngoại giao khác bày tỏ quan ngại rằng ông Tillerson đã muốn tránh sự chú ý và giữ cho tháng đầu tiên nhậm chức không ồn ào.

Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson đã nhận được những lời lẽ tốt đẹp trên báo chí trong ngày đầu tiên của ông trên cương vị này hôm 2/2.

"Xin chào, tôi là người mới đây." Ông Tillerson đã nói với các phóng viên như vậy trong buổi ra mắt báo chí. Nhưng kể từ đó, ông ta đã phớt lờ các câu hỏi của phóng viên.

Quyết định phá vỡ tiền lệ trong chuyến công du quan trọng đầu tiên của ông tới Châu Á – vào thời điểm các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên đang là tâm điểm – đã đặt ra rất nhiều câu hỏi.

"...khi bạn không có báo chí tự do mạnh mẽ cùng đồng hành với bạn, tôi nghĩ rằng nó chắc chắn sẽ gửi đi tín hiệu xấu về mặt quảng bá cho những giá trị của một nền báo chí tự do – vốn luôn là giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ.​"
Laura Kennedy, cựu đại sứ Mỹ

Cựu đại sứ Mỹ Laura Kennedy nhận định:​ "Tôi không thể đưa ra những thông tin chính xác về các chuyến công du của bộ trưởng ngoại giao trong nhiều năm trước, nhưng trong gần 40 năm tôi làm việc cho Bộ Ngoại giao, các bộ trưởng ngoại giao luôn đề cao báo chí, vì vậy họ muốn báo chí cùng đi vì rất nhiều lý do."

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ cho biết việc thiếu tiếp cận của truyền thông là điều đáng tiếc bởi vì Trung Quốc là một trong những điểm dừng trong chuyến công du này của ngoại trưởng Tillerson.

Bà Kenndy nói: "Tôi nghĩ rằng đó là một cơ hội đặc biệt khi bạn đến thăm một quốc gia như Trung Quốc nơi không có báo chí tự do, khi bạn không có báo chí tự do mạnh mẽ cùng đồng hành với bạn, tôi nghĩ rằng nó chắc chắn sẽ gửi đi tín hiệu xấu về mặt quảng bá cho những giá trị của một nền báo chí tự do – vốn luôn là giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ.​"

Trả lời cho câu hỏi về tín hiệu đó hôm thứ Hai, Quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner nói:​ "Đây không phải là một thông điệp mà chúng tôi sẽ gửi đi."

Hôm thứ sáu, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Ngoại trưởng Tillerson lo ngại về chi phí nên ông đi bằng một chuyên cơ nhỏ hơn và không có chỗ cho các phóng viên đi cùng. "Chúng tôi không tham gia vào việc hậu cần cho các chuyến đi của các thành viên nội các. Nhưng tôi biết rằng họ có bày tỏ những quan tâm với các đồng nghiệp của các bạn và trong tương lai họ sẽ thay đổi một số sắp xếp cho phù hợp với các máy bay nhỏ hơn."

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ông Tillerson sẽ tổ chức một buổi họp báo trong chặng dừng tại Nhật Bản.

Your browser doesn’t support HTML5

Trung Quốc: Lợi ích chung vượt cách biệt Mỹ-Trung