Ngư dân Thái: Cứu trợ sóng thần cách đây 10 năm có lợi cho du khách không phải cho dân làng

  • Steve Sandford

Thân nhân các nạn nhân trận sóng thần ở Á châu đặt những đóa hồng trắng trên bãi biển trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân người Đức, Áo, Thụy Sĩ ở Khao Lak, Thái Lan, 26/12/14

Khi trận sóng thần khổng lồ ở Ấn Độ Dương ập vào bờ biển Thái Lan cách đây 10 năm, thế giới được trông thấy những hình ảnh của những đợt sóng lớn ập vào những khu nghỉ mát hùng vĩ bên bờ biển. Ở những vùng thôn dã hơn, trận thiên tai này cũng đã làm thiệt mạng nhiều người lao động nhập cư từ Myanmar không có giấy tờ hợp lệ.

Đã một thập niên trôi qua, kể từ khi sóng thần tàn phá ngôi làng đánh cá Ban Nam Khem của Thái Lan, nhưng một số các hình ảnh của cái ngày định mệnh ấy vẫn còn lại.

Mặc dù chính phủ Thái Lan đã tức thời giúp đỡ các khu vực du lịch, dịch vụ cứu trợ lại trì trệ đối với những ngôi làng bị bão tàn phá nhiều nhất, gồm chủ yếu những người lao động Myanmar làm nghề đánh cá, không có đăng ký với chính quyền.

Vì sợ bị bắt giữ và trục xuất, nhiều người sống sót đã bị buộc phải bỏ công việc và tài sản ở lại, không thể xin cứu trợ và tìm những người thân trong gia đình bị mất tích.

Đối với người lãnh đạo cộng đồng, Wanchai Jitchareon, việc chứng kiến những sự ngược đãi đối với những người lao động nhập cư là động lực đã khiến ông giúp họ đòi lại đất đai và xây dựng lại cộng đồng. Ông nói:

"Những người này đã bị buộc phải dời đi nơi khác, sau khi sóng thần tàn phá nhà cửa và tài sản của họ, mọi người đều bận rộn tìm cách sống còn. Đó là lúc mà những nhà khai thác địa ốc Thái Lan lợi dụng để đến đó, dựng lên những hàng rào và các bảng hiệu có ghi chữ ‘Cấm vào’ quanh các khu đất đang có tranh chấp."

Mặc dù hơn 2.500 người lao động di trú đã bị trục xuất trong những tháng ngay sau thảm họa sóng thần, hiện nay có nhiều người lao động nhập cư trong tỉnh hơn, so với trước khi xảy ra thảm họa - và bây giờ hầu hết đã được đăng ký.

Thông thường công nhân di trú làm những công việc không ai muốn làm, mà người Thái thường né tránh. Nhưng tại Ban Nam Khem, còn một số lý do khác cho cơ hội tìm việc làm.

Một ngư dân Myanmar tên HLA Myo nói:

"Khi những ngôi nhà được xây lại, người Thái Lan sợ sống gần mặt nước. Họ dời ra xa hơn và cho chúng tôi thuê nhà của họ. Sau trận sóng thần, chúng tôi có những nơi cư ngụ tiện nghi hơn."

Dù đã tiến hành các cuộc thử nghiệm DNA và số liệu rộng lớn được thu thập về những người đã thiệt mạng trong thảm hoạ này, 495 xác chết vẫn chưa có người nhận tại nghĩa trang địa phương.

Ông Prapat Kongmeung đã mất sáu người thân trong gia đình, kể cả đứa con trai bảy tuổi của ông, vẫn được liệt kê là mất tích.

Ngư dân này nói rằng chính phủ dường như quan tâm nhiều tới hình ảnh của ngành du lịch dưới con mắt của quốc tế, hơn là nhận diện xác chết của người dân địa phương:

"Tôi cảm thấy bị phản bội bởi vì họ không giúp đỡ chúng tôi bao nhiêu. Chúng ta đều là con người. Tại sao họ lại đối xử với chúng tôi rất khác? Họ không hỗ trợ chúng tôi, họ mang đi tất cả các xác chết tới Phuket, để những người nước ngoài có thể lui tới một cách thuận tiện.”

Giữa lúc các hoạt động thương mại và phát triển tái tục tại khu duyên hải, nhiều người hy vọng rằng những bài học rút ra từ quá khứ sẽ không bị lãng quên trong những giai đoạn khó khăn có thể xảy ra trong tương lai.