Những người biểu tình Libăng bất bình vì bầu cử bị hoãn lại

Một người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối việc Quốc hội hoãn lại cuộc bầu cử, tại Beirut, 20/6/2013

Người Libăng lo ngại cuộc nội chiến phe phái tại nước láng giềng Syria sẽ phân rẻ nước họ. Tuy nhiên vào lúc sự chia cách các cộng đồng đang càng ngày càng rộng, các lãnh tụ chính trị tại Beirut đang tranh cãi về việc thành lập một chính phủ mới trong đó quyền hành được chia sẻ cho các phe phái, và việc hoãn cuộc bầu cử thêm 17 tháng nữa đã làm cho những người biểu tình giận giữ.

Các cuộc biểu tình nổ ra hồi tuần qua tại trung tâm thủ đô Beirut của Libăng phản đối một quyết định hoãn cuộc bầu cử và kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội nước này. Việc này diễn ra vào thời điểm bạo động về phe phái lan sang Libăng ngày càng tệ hại hơn vì chiến tranh tại Syria vượt qua biên giới hai nước.

Với việc các phe chủ chiến Hồi Giáo Shia Hezbollah và những chiến binh Sunni Libăng gia nhập hai phía đối nghịch trong cuộc nội chiến Syria đã kéo dài 17 tháng qua, Libăng rất cần có lãnh đạo bền vững.

Bế tắc chính trị cùng với những tranh chấp phe phái gia tăng làm cho những người Libăng mong mỏi sự ổn định của đất nước bực mình. Những người biểu tình trẻ chống lại quyết định hoãn cuộc bầu cử Quốc hội nói người Libăng nên được đi bầu và đưa ra những nhà lãnh đạo mới.

Những người biểu tình như anh Ali, sinh viên điện ảnh 24 tuổi, nói kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội là bất hợp pháp. Anh nói thêm là Libăng chán những khuôn mặt cũ:

“Tôi có mặt ở đây chống lại việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội Libăng và phản đối những dân biểu cướp tiền của chúng tôi và cướp những cơ hội của chúng tôi cũng như giết chết ước mơ của chúng tôi. Họ là những người cũ kể từ cuộc nội chiến Libăng, cũng là những khuôn mặt cũ, những người cũ, những tay giết người cũ. Và như tôi đã nói với bạn, những người này đã giết những ước mơ của chúng tôi cũng như giết nền hòa bình của nước tôi.”

Vào hôm thứ Năm, vài trăm người biểu tình đụng độ với cảnh sát gần Quốc hội. Và đêm thứ Sáu những người biểu tình vẫn biểu tình ngồi lì tại trung tâm Beirut, nhưng ít đối kháng hơn. Những biểu ngữ của họ bày tỏ sự khinh thị đối với các chính trị gia. Một biểu ngữ có ghi dòng chữ “Chính trị gia như tả của các em bé, cần phải thay.” Một biểu ngữ khác nói “Hãy cút đi! Các người đã thất bại.”

Cô Natalia, 28 tuổi, một sinh viên đồng thời là cộng tác viên cho một công ty tư vấn về ích lợi công cộng, thất vọng vì con số những người đăng ký bày tỏ sự phản đối của họ, những tin là đây chỉ là mở đầu. Một cuộc biểu tình chính được dự trù vào ngày 28 tháng 6.

Cô Natalia nói: “Quốc hội vừa mới quyết định kéo dài nhiệm kỳ và điều này vi phạm hiến pháp và các nguyên tắc của một nền dân chủ. Những người này đã cai trị đất nước kể từ khi cuộc nội chiến chấm dứt và họ cũng là những lãnh chúa. Họ không làm công việc của họ là phục vụ người dân.”

Thiếu những cơ hội kinh tế châm thêm dầu cho sự nổi giận của nhiều người biểu tình. Cô Natalia nói thiếu nhiều việc làm.

“Có rất ít cơ hội ở đây, nếu bạn muốn lập gia đình, bạn phải ra nước ngoài làm việc, dành dụm một số tiền và trở lại, và đó là điều chúng tôi không muốn làm và đó cũng là điều họ muốn chúng tôi làm là bỏ nước ra đi để họ muốn làm gì thì làm.”

Những cuộc đụng độ giữa người Sunni Libăng và người Hồi giáo Shia đứng về phía các bên đối lập trong cuộc nội chiến Syria ngày càng tăng cùng với những lo ngại là giao tranh rộng lớn hơn sẽ phát sinh tại Libăng, như cộng đồng quốc tế đang báo động.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Libăng Maura Connelly công bố một cảnh báo ngắn vào hôm thứ Sáu cho biết “quan tâm chính của Hoa Kỳ là sự sống còn của những định chế dân chủ tại Libăng.”