Người lao động xoay sở để tồn tại giữa đại dịch Covid

Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.

Cho tới thời điểm này, đại dịch Covid đã kéo dài tại Việt Nam gần một năm. Chính sách đóng cửa biên giới, tạm dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại, cách ly tập trung toàn bộ những người nhập cảnh đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, chỉ vài tháng tạm yên, nay bỗng xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh giữa bối cảnh những hạn chế vì Covid đã tạo ra những khó khăn không nhỏ cho đời sống nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình lao động mưu sinh trong lĩnh vực dịch vụ.

Anh Nguyễn Thanh Bình, nhân viên của một tập đoàn quốc tế chuyên kinh doanh mặt hàng miễn thuế tại các sân bay ở Việt Nam, là một trường hợp như vậy. Trong suốt năm qua, anh và các đồng nghiệp không có việc làm do hoàn toàn không có bất kỳ một chuyến bay thương mại nào. Hơn nửa năm rồi thu nhập của anh đã bị cắt giảm một nửa, và trong tình hình dịch bệnh còn dây dưa, anh Bình đã tính tới khả năng bị sa thải, phải tìm công việc mới.

“Công ty của mình hiện đã cho nhân viên nghỉ gần hết, chỉ giữ lại một số lãnh đạo cần thiết. Tình hình dịch bệnh và việc ngừng các chuyến bay quốc tế như thế này sẽ còn kéo dài, nên rõ ràng không có hy vọng gì trong việc được quay trở lại làm việc. Vợ tôi làm cho NASCO (Công ty dịch vụ hàng không mặt đất Nội Bài) thì đã được cho nghỉ vài tháng nay. Hiện giờ xin việc mới cũng rất khó khăn chứ không phải dễ dàng gì,” anh chia sẻ lo lắng với VOA.

Gia đình năm nhân khẩu của anh giờ phải chi tiêu rất chật vật vì thu nhập giảm mạnh mà tiền học phí của ba đứa con và những chi tiêu khác như tiền điện, tiền nước, lương thực, thực phẩm hàng tháng thì không thể cắt giảm.

“Bây giờ thì phải cố gắng tằn tiện mà sống sao cho qua được đợt dịch bệnh này chứ cũng khó có thể làm gì khác được. Đành trông thêm vào sự giúp đỡ của ông bà và những người thân khác có điều kiện tốt hơn thôi,” anh than thở.

Ngay cả những người lao động tự do hiện cũng lâm thế bí khi mọi người hạn chế chi tiêu giữa đại dịch.

Cô Đỗ Thu Hương, một chủ tiệm ăn phục vụ sinh viên trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết những tháng gần đây vắng khách, việc kinh doanh khó khăn nên cô đã cho thuê lại cửa hàng và may mắn có người chịu thuê với giá 8 triệu đồng/tháng. Cộng thêm với tiền cho thuê địa điểm lắp đặt cột thu phát sóng mạng di động trên tầng thượng, gia đình cô Hương cũng tạm đủ để xoay sở, tồn tại trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

“Thật ra mình phải tính toán khéo, ví dụ như gạo và rau xanh thì mình về quê nhờ một người thân trồng và mua lại vừa rẻ vừa có rau sạch. Với cả gia đình cũng ăn uống đơn giản, chủ yếu là ăn gạo lứt với muối vừng nên cũng tạm ổn, chứ nếu chi tiêu, ăn uống như trước đây thì không có tiền đâu,” cô tâm sự.

Cô Hương cho biết thêm, trước đại dịch Covid, cửa hàng của cô kiếm từ 15 tới 20 triệu đồng mỗi tháng từ tiền phục vụ sinh viên ăn sáng, ăn trưa. Từ ngày xảy ra dịch bệnh Covid, rất ít sinh viên ghé quán mỗi ngày cho dù trường học đã mở cửa trở lại sau những thời gian giãn cách.

Việc kiểm soát dịch bệnh Covid, theo cô Hương, cho tới thời điểm này được thực hiện rất tốt tại Việt Nam, nhưng cô nói nếu tình hình tiếp tục kéo dài thì những gia đình như cô sẽ ‘lâm thế bí’ khi tiền thì không kiếm được mà cuộc sống thì luôn có rất nhiều khoản không thể không chi ra.