Người trẻ nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay (phần 5)?

Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019. Hình minh họa.

Trong hai bài trước, một số nhà hoạt động Việt Nam đã chia sẻ cảm nghĩ về ngày 30 tháng Tư. Qua thông tin, tiếp cận và kinh nghiệm làm việc, các bạn cũng đã đưa ra nhận xét về cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những suy nghĩ và góp ý của các bạn về hoạt động của cộng đồng người Việt hải ngoại trong 45 năm qua có thể sẽ làm một số người khó chấp nhận. Dù sao đi nữa, các bạn cũng đều rất trân quý mọi đóng góp của những người Việt yêu nước trong hơn bốn thập niên qua. Các bạn chủ yếu phản ánh sự quan sát và quan tâm của mình để qua đó, hy vọng rằng, những nguồn lực hiếm hoi có thể được tập trung và ưu tiên để đạt hiệu quả hơn.

Câu hỏi kế tiếp mà tôi đặt ra với các bạn là những người trẻ mà các bạn quen biết đang nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay?

Sau đây là những chia sẻ của các bạn.

Biển Ngọc: “Theo ý chủ quan của em, hiện giới trẻ trong nước có thể được chia thành 2 khối chính: khối muốn an phận và khối không muốn an phận.

Khối muốn an phận nhằm chỉ tất cả những người trẻ mà với họ các vấn đề về xã hội dân sự và chính trị là những vấn đề nhạy cảm, không an toàn và không nên có bất cứ sự liên quan nào! Khối này khá thờ ơ với hiện tình xã hội… Rõ ràng mưu cầu hạnh phúc là điều chính đáng nhưng chỉ lo việc đó mà làm ngơ trước mọi bất công xung quanh mình thì đã góp phần nào duy trì thể chế cộng sản Việt Nam vậy.

Khối thứ 2 là khối không muốn yên phận. Em thiết nghĩ có thể chia thành 3 nhóm nhỏ:

Thứ nhất: nhóm những người cờ đỏ - con em các gia đình “đỏ”, từ nhỏ đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê và hiện vẫn đang sống bên trong bộ máy nên dù muốn dù không, họ phải luôn đặt mình dưới ý nghĩ “đảng còn mình còn”…

Nhóm thứ hai là các bạn cờ vàng: các bạn này là những bạn trẻ có lòng với đất nước, thấy được, thấy rõ hiện trạng đất nước và phần nào chịu ảnh hưởng của đời sống văn hóa chính trị kinh tế xã hội hấp dẫn của miền nam Việt Nam trong quá khứ cũng như hấp thụ các yếu tố văn minh phương tây nên các bạn yêu mến là cờ ba sọc đỏ hơn…

Nhóm thứ ba khát vọng dân chủ thật sự. Em mạo muội cho rằng ai cũng hiểu nhóm này là nhóm như thế nào rồi. Dạ phải, các bạn trẻ thuộc nhóm này là những bạn có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị hiện tại cũng như trong quá khứ của đất nước mình…

Với bạn Nam Hải thì những người ít có cơ hội ra nước ngoài nghĩ rằng Việt Nam ngày càng phát triển, hiện đại, giàu có… Còn những những người có nhiều cơ hội ra nước ngoài hơn thì lại thấy rằng “người Việt Nam bị xem thường, Việt Nam thua kém các nước khác, vấn nạn xã hội (thực phẩm bẩn độc hại, môi trường ô nhiễm,…). Họ biết rằng Việt Nam cần thay đổi nhưng không biết bằng cách nào? Họ không đủ dũng cảm tham gia vào tiến trình thay đổi đó. Họ chọn rời bỏ đất nước bằng cách ra nước ngoài học, rồi sau đó định cư.

Nhất Tâm: “Những bạn trẻ mà em có dịp tiếp xúc trong giới làm việc xã hội thì hầu hết đều mong muốn sự thay đổi. Nhưng thường chọn cách đi an toàn là làm kinh tế, giáo dục hoặc môi trường, né tránh các vấn đề trực tiếp về chính trị như dân chủ và quyền. Còn phần đông các bạn trẻ khác thì bàng quan với thời cuộc, chỉ chạy theo các hình thức vật chất, sống thiếu lý tưởng.

Nhật Nguyệt: “Giới trẻ chia làm 2 phía. Một bên là như bọn em, bất đồng chính kiến. Tuy nhiên ít người dám làm hoặc hoạt động, vì sợ hoặc nghĩ làm sẽ không làm được gì. Nhiều bạn bất đồng nhưng vẫn nghĩ là kiếm tiền sống tạm ổn là được. Đặc biệt là phần lớn người giỏi và có hiểu biết hiện tình sẽ tìm cách đi nước ngoài rồi ở luôn, không cần về nữa.

Bên khác là những người vẫn tin vào Đảng. Vì cho rằng những vấn đề ở Việt Nam nơi nao cũng có, họ sống tốt với chế độ hiện tại. Nhiều người ủng hộ vì đem lại quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, thực chất nhiều bạn bè em mặc dù chịu đàn áp, hoặc có hiểu biết hiện tình, nhưng vẫn nghĩ do người làm sai, còn lý tưởng của Đảng không sai.

Dương Ngọc: “Hầu hết những người bạn của em đều cảm thấy xã hội Việt Nam hiện nay và tình hình đất nước là yên bình và ổn định. Nếu không đồng ý với một vấn đề/chính sách xã hội gì đó thì họ thường chọn cách chấp nhận thay vì muốn thay đổi. Họ cho rằng bất kì một đất nước nào cũng có vấn đề, Việt Nam cũng không ngoại lệ, đảng cộng sản VN lãnh đạo đối với họ như vậy là đủ tốt và nếu có sự thay đổi chính trị xảy ra chưa chắc sẽ tốt hơn. Do đó, họ hài lòng với tình hình đất nước hiện tại.

Trương Thị Hà thì đã chia sẻ cách nhìn của Hà qua bài viết về 30 tháng Tư năm 2019.

Nhắc đến chính trị thì mặt bạn nào cũng ngáo ngơ. Phỏng vấn hỏi Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội cũng nhe răng ra cười, lắc đầu không biết. Đó là những người lãnh đạo và quyết định đến vận mệnh của đất nước, đó là những người quyết định đến việc các bạn đi học phải đóng bao nhiêu tiền, quyết định giá lít xăng các bạn đổ mỗi ngày, quyết định nợ công của bạn ngày hôm nay và con cái bạn ngày sau. Chính trị là một khái niệm dễ gây dị ứng. Nó được hiểu như là một lĩnh vực khô khan, gây nhức đầu, chóng mặt và bất an. Nhưng các bạn phải quan tâm đến nó. Nếu các bạn cứ để chính quyền độc tài chính trị, các bạn sẽ sớm là nạn nhân của việc thờ ơ với chính trị.

Có thể nói chỉ nội trong nhóm nhỏ các bạn này thôi cũng đã cho thấy những nhìn nhận vấn đề khá khác nhau. Biển Ngọc và Nam Hải nhìn thấy được một xã hội rất đa dạng, tùy hoàn cảnh của mỗi bạn trẻ, và tùy theo họ có cơ hội nhìn thấy bức tranh lớn hơn xã hội Việt Nam mà họ đã sống hay không. Nhất Tâm nhìn nhận rằng nhiều người trẻ muốn thấy sự thay đổi nhưng vẫn chọn cách an toàn, trong khi phần lớn giới trẻ thì bàng quan với thời cuộc. Nhật Nguyệt có vẻ đồng ý với Nhất Tâm, nhưng cũng nhìn thấy rằng có một phần không ít giới trẻ vẫn tin vào lý tưởng của Đảng và cho rằng người ta làm sai chứ không phải do Đảng sai. Luận điệu đã được biện minh xưa lắm rồi. Dương Ngọc nhận xét rằng phần lớn các bạn của mình không tin thay đổi sẽ tốt hơn, và họ hài lòng với tình hình hiện tại. Hà lý luận rằng nhiều người trẻ không thật sự hiểu sâu sắc về tình hình chính trị, nếu không nói là quá thờ ơ, vì vậy, sớm muộn gì họ cũng sẽ dễ trở thành nạn nhân của thái độ thờ ơ này.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày vấn đề là liệu các nhà hoạt động Việt Nam hiện nay có lạc quan khi nghĩ rằng sẽ có nhiều người trẻ muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?