Nhà báo đang thụ án tù Phạm Đoan Trang được CPJ trao giải Tự do Báo chí

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, hiện đang thụ án tù ở Việt Nam, vừa được Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ở Mỹ trao Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2022. (Minh họa: Luật Khoa)

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa vinh danh nhà báo bất đồng chính kiến nổi bật nhất của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, bằng việc trao cho người phụ nữ đang thụ án 9 năm tù giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ.

Bà Trang bị Việt Nam kết án tù hồi cuối năm ngoái theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự - một điều luật mà giới hoạt động và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ về việc cấm “làm và tàng trữ thông tin, vật phẩm chống lại nhà nước” Việt Nam, vốn kiểm duyệt gắt gao môi trường truyền thông. Nữ nhà báo bất đồng chính kiến bị bắt giam ngay sau khi Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Mỹ và Việt Nam kết thúc vào tháng 10/2020 và bị giam giữ mà không được gặp mặt người nhà trong hơn một năm trước khi bị đưa ra xét xử trong phiên tòa chỉ kéo dài một ngày vào tháng 12/2021.

Trong thông báo về việc trao giải cho bà Trang hôm 14/7, CPJ, tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí và bảo vệ quyền của các nhà báo, cho biết bà Trang là một trong số 23 nhà báo đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam vì những gì họ viết ra, tại thời điểm thống kê của tổ chức này vào năm ngoái.

“Bằng việc vinh danh (Phạm Đoan Trang) với Giải thưởng IPFA (Tự do Báo chí Quốc tế) năm nay, CPJ đang đưa ra ánh sáng sự xuống cấp trong môi trường tự do báo chí của Việt Nam, một trong 5 quốc gia có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất trên thế giới”, tổ chức có trụ sở ở New York nói trong thông cáo.

Đây là lần thứ hai bà Trang được vinh danh bằng một giải thưởng tự do báo chí quốc tế. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào năm 2019 cũng trao cho nhà bà Trang, người có nhiều cuốn sách bị cấm xuất bản ở Việt Nam như “Phản kháng phi bạo lực” và “Cẩm nang nuôi tù”, giải Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng, vì những hoạt động của bà trong việc thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền ở quốc gia có Đảng Cộng sản nắm độc quyền cai trị hàng chục năm nay.

Bà Trang từng là một phóng viên làm việc cho báo nhà nước nhưng bị đuổi việc sau khi tuồn cho một nhà báo độc lập đoạn ghi âm cuộc thẩm vấn của công an trong lúc giam giữ bà. Bà Trang sau đó trở thành một nhà báo độc lập, chuyên viết về các vấn đề nhân quyền cho Luật Khoa Tạp chí, tờ báo mạng do bà đồng sáng lập, và trang tin tức độc lập bằng tiếng Anh, The Vietnamese, có trụ sở ở Mỹ.

Bà Trang cùng ông Will Nguyen, công dân Mỹ gốc Việt từng bị giam giữ ở Việt Nam vì tham gia biểu tình phản đối Luật An ninh mạng, cùng viết ra bản “Báo cáo Đồng Tâm” xoay quanh vụ tấn công gây chết chóc của lực lượng công an vào thôn Hoành ở xã Đồng Tâm đầu năm 2020. Bà Trang bị bắt không lâu sau khi công bố bản báo cáo này.

Theo RSF, có trụ sở tại Paris của Pháp, truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo, sau Trung Quốc và Myanmar. Việt Nam bị tổ chức này xếp hạng 174/180 về Chỉ số Tự do Báo chí, tức trong nhóm các nước có ít tự do báo chí nhất trên thế giới.

Bà Trang được nhắc đến trong một báo cáo chung của năm báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhằm đáp lại về sự trấn áp của nhà cầm quyền đối với bà Trang và những nhà báo độc lập khác ở Việt Nam.

Hồi tháng 3 năm nay, bà Trang được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm” và được Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper ca ngợi là “không sợ hãi theo đuổi một xã hội dung nạp và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”.

Việt Nam đã phản đối việc Mỹ trao giải cho bà Trang và người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần nói rằng Việt Nam luôn đảm bảo quyền con người cũng như tự do báo chí tại quốc gia Đông Nam Á.

Trong bức thư với tiêu đề “Nếu tôi có đi tù” được công bố ngay sau khi bị bắt hồi tháng 10/2020, bà Trang kêu gọi vận động cho luật bầu cử mới ở Việt Nam và nói rằng bà “không cần tự do cho riêng mình” mà “cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho Việt Nam.”