Nhà ngoại giao Triều Tiên mất tích ở Ý được kêu gọi đào tị sang Hàn Quốc

Cổng vào đại sứ quán Triều Tiên ở Rome, ngày 3 tháng 1, 2018.

Một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên từng thực hiện một vụ đào tị gây chú ý sang Hàn Quốc hôm thứ Bảy thúc giục một đồng nghiệp cũ mất tích ở Ý hãy dung thân ở Seoul, sau khi có tin ông này đang xin bảo hộ tị nạn ở Mỹ.

Jo Song Gil, 44 tuổi, người mà tới gần đây là quyền đại sứ của Triều Tiên tại Ý, đã biến mất cùng vợ sau khi rời đại sứ quán mà không thông báo vào đầu tháng 11, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm.

Ông Jo đã xin bảo hộ tị nạn tại Mỹ và hiện được tình báo Ý bảo vệ, báo La Repubblica của Ý đưa tin hôm thứ Sáu, dẫn một nguồn tin ngoại giao không nêu danh tính.

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ tại Seoul không hồi đáp ngay lập tức một yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.

Ông Thae Yong Ho tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25 tháng 1, 2017.

Trong một bức thư ngỏ, Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ của Bình Nhưỡng tại Anh, người nói rằng ông từng học cùng trường đại học và làm việc với ông Jo trước khi đào tị sang Hàn Quốc vào năm 2016, hối thúc ông Jo theo bước ông.

Đào tị sang miền Nam là “nghĩa vụ, không phải lựa chọn” đối với các nhà ngoại giao Triều Tiên nung nấu quyết tâm thống nhất, ông Thae nói, gọi Seoul là “tiền đồn” cho sứ mệnh đó.

“Nếu ông đến Seoul, thậm chí thêm nhiều đồng nghiệp của chúng ta sẽ theo chân, và việc thống nhất tự nó sẽ thành tựu,” ông Thae viết trong một bức thư đăng trên website của ông.

Ông Thae cho biết gia đình ông từng thăm ông Jo ở Rome vào năm 2008, nơi mà ông Jo học tập từ năm 2006 đến 2009. Ông Jo đã dẫn họ đi tham quan các địa điểm như Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Thành Vatican.

Ông Thae nói Hàn Quốc không thể là “thiên đường hạ giới,” nhưng là nơi mà ông Jo có thể thực hiện mong muốn của ông. Ông Thae nhấn mạnh khát khao thống nhất của rất nhiều người trong số khoảng 32.000 người đào thoát ở Hàn Quốc.

“Những người đào tị có thể không giàu bằng người Hàn Quốc,” ông Thae nói thêm. “Nhưng không phải điều duy nhất mà ông và tôi, trong tư cách nhà ngoại giao Triều Tiên, nên làm suốt quãng đời còn lại của chúng ta là mang về sự thống nhất và trao một quốc gia thống nhất cho con cái chúng ta hay sao?”

Nếu được xác nhận đã bỏ trốn, ông Jo sẽ là một nhà ngoại giao nữa ở Châu Âu tìm cách rời bỏ nước Triều Tiên nghèo nàn, áp bức dưới sự cai trị của Kim Jong Un.

Các quan chức Hàn Quốc nói họ không thể bình luận về các vấn đề tình báo.

Bình Nhưỡng quy định các nhà ngoại giao ra nước ngoài phải để lại ít nhất một đứa con ở nhà, nhưng những người thuộc hàng ngũ chóp bu hoặc được coi là trung thành nhất với chế độ được hưởng một số đặc cách. Ông Jo xuất thân từ một gia đình giàu có làm trong ngành ngoại giao, và đã có thể mang theo con của ông tới Ý vào năm 2015, ông Thae cho biết.