Nhân vật đào tị: Nhiều vụ hành quyết dã man tại Bắc Hàn

  • VOA

Ri Jong Ho (phải), nhân vật đào tị cấp cao Bắc Hàn, trả lời phỏng vấn Ban tiếng Hàn VOA, cuối tháng 6/2017

Ri Jong Ho có thể là một trong những nhân vật cấp cao nhất của Bắc Hàn đã đào tị.

Trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên kể từ khi ông trốn chạy vào tháng 10/2014, ông Ri nói với Ban tiếng Hàn của VOA rằng chứng kiến những vụ thanh trừng và hành quyết tàn bạo, cũng như những cuộc giam cầm tùy tiện đối với các đồng nghiệp và bạn bè ông đã khiến ông đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên.

Your browser doesn’t support HTML5

'Các quan chức cấp cao bị sát hại bằng súng máy'

Ông nói, "Dĩ nhiên, đã từng có những vụ hành quyết và thanh trừng vào lúc này lúc khác, nhưng không có vụ nào giống như những gì đã xảy ra giữa cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Tôi không bao giờ nghĩ những hành động tàn bạo, dã man như thế lại có thể xảy ra trong hệ thống xã hội chủ nghĩa".

Trước khi đào thoát, ông Ri từng là một công chức trung thành của Bắc Triều Tiên trong hơn ba thập niên.

Có thời điểm, ông giám sát việc buôn bán khoáng sản và thủy sản của Bắc Triều Tiên với các nước như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Chính ông Ri đã thu xếp nguồn tài chính cho hoạt động thăm dò dầu khí của chế độ ven bờ biển phía tây nước này.

Phần lớn sự nghiệp của ông Ri là làm việc cho các bộ phận then chốt của Văn phòng 39, một chi nhánh bí mật của chính phủ Bắc Triều Tiên, điều hành một loạt các hoạt động kinh tế bất hợp pháp ở nước ngoài, một phần trong số đó được đưa vào quỹ đen riêng của gia đình Kim lãnh tụ.

Văn phòng 39 được ít người biết đến, nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Văn phòng này bao gồm các cơ quan trung ương và các chi nhánh với hàng ngàn nhân viên làm việc để "quản lý tài chính của Đảng, tạo ra ngoại tệ, cũng như giám sát sản xuất và thương mại của đất nước", theo lời ông Ri.

Được ông Kim Jong Il, cha của lãnh tụ hiện nay là Kim Jong Un, trực tiếp bổ nhiệm, ông Ri cũng từng là chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Kumgang Triều Tiên (KKG), một tổ chức do Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên điều hành. KKG đảm nhận các dự án kinh tế quy mô lớn của Bắc Hàn kể cả các hoạt động tìm kiếm dầu mỏ.

Vinh danh sự phục vụ của ông, vào năm 2002, Bắc Triều Tiên đã trao cho ông Ri danh hiệu Anh hùng Lao động, kèm theo là một số hàng xa xỉ - một chiếc đồng hồ cao cấp khắc tên Kim Il Sung, nhà lập quốc, một chiếc TV màu và một chiếc xe sang trọng – những thứ không có cho công chúng.

Nhưng lòng trung thành của ông đã dao động mạnh sau vụ hành quyết ông Jang Song Taek, chú của lãnh tụ hiện tại, vào năm 2014, tiếp đó là cuộc thanh trừng giới tinh hoa Bắc Triều Tiên.

Bầu không khí vào thời điểm đó thật "thù địch", ông Ri cho biết, khi chế độ thanh lọc hàng ngàn người, hành hình bằng súng máy và đưa kẻ thù của nhà nước vào các trại tù chính trị.

Đến Hoa Kỳ vào tháng 3/2016 và năm nay ở tuổi 60, ông Ri nói rằng ông không im lặng nữa khi ông sẵn sàng trợ giúp Bắc Triều Tiên. Ông nói mục tiêu cuối cùng của ông là "lập một tổ chức vì sự phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên".

Khi nào Bắc Triều Tiên trải qua quá trình chuyển đổi sang hệ thống kinh tế dựa trên thị trường, ông Ri nói ông "muốn tham gia vào công cuộc hiện đại hóa Bắc Triều Tiên" bằng cách chuyển vốn và công nghệ từ các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Your browser doesn’t support HTML5

Nhân vật đào tị: ‘Cấm vận đang gây bất ổn và làm lung lay chế độ Bắc Hàn’