Nhật Bản sắp tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Một công nhân đi qua các bồn chứa nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi của công ty Điện lực Tokyo bị sóng thần gây hư hại (ảnh tư liệu ngày 23/2/2017).

Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản vừa cấp phép sơ bộ cho việc tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân mà đã bị ngưng hoạt động sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản hôm thứ Tư biểu quyết nhất trí rằng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa do Công ty Điệc lực Tokyo vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới rất gắt gao được ban hành sau thảm họa Fukushima. Nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa, đặt tại tỉnh Niigata, là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, và là lớn nhất của Nhật Bản.

Trận động đất mạnh 9 độ vào tháng 3 năm 2011 đã gây ra sóng thần làm 20.000 người thiệt mạng, gây tan chảy 3 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, miền đông bắc nước Nhật, gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Thảm họa Fukushima đã buộc chính phủ Nhật Bản đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, và cho đến nay rất nhiều người dân Nhật vẫn chống đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực khôi phục dần công nghiệp năng lượng hạt nhân của nước này. TEPCO đang nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để có tiền đền bù cho hàng ngàn cư dân phải di dời vì tai nạn Fukushima.

Có thể phải mất nhiều tháng nữa TEPCO mới nhận được giấy phép chung cuộc để tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa.