Nhiễm trùng đường tiểu (UTI)

Thính giả tên Thắng, 21 tuổi, hỏi:

"Thưa Bác sĩ,

Dạo gần đây cháu cảm thấy đi tiểu rất ít và không thường xuyên dù cháu có uống rất nhiều nước. Thỉnh thoảng cháu thấy đi tiểu dòng tiểu yếu đôi khi khó tiểu lúc đầu. Và chức năng sinh lí của cháu cũng cảm thấy suy giảm.

Cháu đi khám thì thấy các xét nghiệm bình thường, cháu vừa bị viêm bàng quang và đã chữa khỏi.

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị làm sao và phương pháp chữa trị như nào cho cháu là phù hợp ạ?

​Cảm ơn Bác sĩ"

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Nhiễm trùng đường tiểu (UTI)

Cũng như mọi khi, tôi xin nói trước câu chuyện hôm nay chỉ có mục đích thông tin tổng quát về một số triệu chứng đường tiểu.

Khái niệm về thận: Chúng ta bình thường có hai trái thận là hai bộ phận cở bằng nắm tay (11-14 cm, hoặc 4-5 inches), hình hạt đậu, nằm quay lưng ra ngoài, đối diện nhau, ở phía sau của bụng, ngang bẹ sườn. Mỗi trái thận được một động mạch lớn đem máu tới cho thận lọc. Mỗi ngày thận lọc chừng 200 lít máu (lượng máu chừng 5 lít chạy qua thận nhiều lần). Các bộ phận trong cơ thể dùng các chất dinh dưỡng trong máu và thải vào dòng máu những chất phế thải từ tế bào. Lúc máu vào thận thì máu được đưa đến chừng 1 triệu đơn vị lọc nhỏ gọi là nephron. Các nephron giữ lại lượng nước và các chất cần dùng và thải phần còn lại ra thành nước tiểu. Nước tiểu từ 1 triệu nephron đó gom lại thành một dòng lớn hơn nơi gọi là bể thận (renal pelvis), mà vai trò giống như cái phễu hứng nước quy tụ về một ống tiếp theo là niệu quản (ureter). Chỗ nối bể thận và niệu đạo (ureteropelvic junction ) là nơi dễ bị nghẽn trong một số trường hợp bẩm sinh. Hai niệu quản trái và phải, dài từ 20-30 cm , rộng chừng 4-10 mm, nghĩa là chỉ bằng chiếc đũa [ở người lớn] đi từ thận đi xuống bọng đái (bàng quang, urinary bladder), nhìn vào như hình chữ V , với hai trái thận nằm trên hai nhánh và bọng đái nằm ở góc dưới. Sau đó , nước tiểu được đưa đến niệu đạo (urethra), là đường đi ra duy nhất lúc tiểu tiện.

Ý nghĩa của bệnh nhiễm trùng đường tiểu (urinary tract infection, UTI) nam giới khác với nữ giới.

Khắp thế giới, trong một năm chỉ chừng 3% nam giới bị nhiễm trùng đường tiểu vì đường niệu đạo (urethra) dài hơn, ở phụ nữ nhiễm trùng đường tiểu 4 lần nhiều hơn phái nam.

Nam giới lớn tuổi có nguy cơ nhiễm UTI vì niệu đạo (đường thoát nước tiểu) có thể bị tuyến tiền liệt (prostate) quá lớn làm tắc nghẽn một phần, ít hay nhiều tùy trường hợp, nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, dễ làm nơi vi khuẩn tăng sinh.

Nam thanh niên 21 tuổi, nếu bị nhiễm trùng đường tiểu là một chuyện ít xảy ra, cần xem xét có những yếu tố cơ nguy nào hay không. Cũng cần xem có biến chứng nào trên phía thận hay không. Các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm trùng tiểu ở nam giới trẻ tuổi thường do bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted diseases, STIs).

Nhiễm trùng đường tiểu thường do nhiễm vi khuẩn Escherichia coli (E.coli), có sẵn trong cơ thể người bịnh (trong đường ruột, trong phân). Đàn ông lớn tuổi có nguy cơ mắc UTI cao hơn, đặc biệt nếu họ ở độ tuổi sau 50. Hầu hết các trường hợp ở đàn ông lớn tuổi là do vi khuẩn tên E. coli, có sẵn trong cơ thể người bịnh (trong đường ruột, trong phân).

Nguy cơ mắc bịnh UTI tăng cho những nhóm sau đây:

  • Bệnh tiểu đường
  • Sỏi thận
  • Tuyến tiền liệt phì đại
  • Hẹp niệu đạo
  • Mất khả năng tự kiểm soát đi tiểu
  • Không đi tiểu ra hết được, nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sau khi tiểu xong
  • Không uống đủ nước
  • Không được cắt bao quy đầu (Trong tháng đầu đời, trẻ sơ sinh được cắt bao da quy đầu ít bị nhiễm trùng đường tiểu hơn; suốt đời người đàn ông, cơ nguy UTI là 1:3, người được cắt da quy đầu là 1:8) (1)
  • Trước đây từng bị nhiễm trùng tiểu
  • Đường tiết niệu bất bình thường làm nước tiểu chảy không thông ra ngoài cơ thể, hay khiến nước tiểu chảy ngược dòng niệu đạo trở vào bàng quang (ví dụ một số hiếm bịnh nhân có van (valve) bất thường trong niệu đạo [urethral valve])
  • Người giao hợp qua hậu môn, làm cho vi khuẩn từ hậu môn đi vào niệu đạo
  • Hệ thống miễn dịch bị yếu đi do tình trạng bịnh hoặc do thuốc ức chế hệ miễn nhiễm (immunosuppressant)
  • Từng được bác sĩ làm thủ thuật có dùng dụng cụ trong đường tiểu (Ví dụ đặt ống để dẫn lưu bàng quang, nội soi bàng quang, để kiểm tra bàng quang và niệu đạo.)

Một số điểm cần chú ý ở người đàn ông trẻ mắc UTI:

1) Nếu cảm giác uống nước nhiều mà vẫn đi tiểu ít, nên đo lượng nước uống hay trong thức ăn (kể cả chè, cháo, canh) trong 24 tiếng đồng hồ và so với lượng nước tiểu trong cùng thời gian. Người lớn cần chừng 1,5-2,5 lít nước một ngày, chừng 1/3 mất qua mồ hôi, phân, hơi thở (insensible fluid loss), phần còn lại qua nước tiểu. Nếu lượng nước đi tiểu không đến 2/3 lượng nước uống (hay ăn) nên nhờ bác sĩ giải quyết. Nói chung, người lớn nếu nước tiểu ít hơn 400-500 ml/24 giờ là quá ít (oliguria, oligo=ít, uria=tiểu, niệu).Trung bình, mỗi ngày sản xuất lượng nước tiểu 800-2000 ml.

Đi tiểu ít quá (oliguria) có thể do:

-bịnh nhân không đi tiểu hết, nước còn đọng trong bọng đái.

-thận bịnh nhân không tiết ra lượng nước tiểu bình thường, không làm việc, lọc máu bình thường.

Bác sĩ có thể cần biết các hoạt động tính dục, và xem các triệu chứng gây ra do UTI thường hay do bịnh 'phong tình' STD như lậu (gonorrhea), chlamydia, hay do những thực hành tính dục như khẩu dâm (oral sex) , giao hợp hậu môn. Bịnh bón làm phân ứ trong ruột già có thể làm bịnh nhân dễ mắc UTI do trực tràng (rectum) đẩy về phía niệu đạo phía trước và vi khuẩn E. coli mọc nhiều hơn trong phân bị ứ đọng trong ruột.

Bác sĩ có thể kiểm tra áp huyết (bịnh thận làm áp huyết cao)

Xem da bao quy đầu hẹp có làm tắc nghẽn đường tiểu hay không (phimosis).

Bác sĩ có thể thử nước tiểu để xem mức đậm đặc (trọng lực riêng, specific gravity)) của nước tiểu để xem bịnh nhân có thiếu nước hay không; có dấu hiệu nhiễm trùng hay không (nhiễm trùng có thể là chỉ dấu của tình trạng nước tiểu không thông và còn ứ đọng trong bàng quang).

Bác sĩ có thể cho làm siêu âm thận để khảo cứu tình trạng thận và các ống niệu quản (ureter) dẫn nước tiểu xuống bàng quang. Trường hợp thận ứ nước (hydronephrosis) có nghĩa là có một trở ngại nào đó trên đường thoát nước tiểu trong quá trình đi từ bồn thận, qua niệu quản (ureter), đến bọng đái (bladder), qua niệu đạo (urethra) trước khi ra ngoài. nếu tắc nghẽn lâu ngày, nước tiểu ứ lại về phía thận, làm hư các nephron trong thận và gây chứng suy thận ảnh hưởng đến toàn bộ sinh lý của người bịnh (cao máu, thiếu máu, rối loạn các chất điện giải trong máu, vv). Do đó nếu có tắc nghẽn (obstruction) cần được chữa trị kịp thời.

Bác sĩ có thể thử máu để xem cơ năng thận như thế nào.

Ở người Á Đông, các triệu chứng như viêm bàng quang tái hồi (recurrent cystitis), không đáp ứng với trị liệu kháng sinh thông thường, cảm giác khó chịu dai dẳng dưới đáy quần (perineum), máu trong nước tiểu, cơ thể mệt mõi chung chung có thể là những dấu hiệu của bịnh lao đường tiểu.

Chức năng sinh lý suy giảm ở người 21 tuổi có thể phần lớn do yếu tố tâm lý, nhất là lo âu.

Nếu sau khi chữa UTI, vẫn còn triệu chứng , có thể nghĩ đến viêm tuyến tiền liệt(VTL). VTL cấp được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong bốn đến sáu tuần, có thể lâu hơn nếu có các đợt tái phát. Bác sĩ cũng có thể dùng thuốc ức chế thần kinh giao cảm alpha (alpha blockers) để giúp giảm triệu chứng, làm thư giãn cơ bàng quang (ví dụ: doxazosin, terazosin và tamsulosin); thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen và ibuprofen. Triệu chứng khó tiểu, tiểu chậm lúc đầu , đau dưới đì (perineum) có thể do viêm tuyến tiền liệt mãn tính (chronic prostatitis), khó chữa hết.

Bác sĩ có thể khuyên bịnh nhân VTL :

-tránh đi xe đạp; hoặc mặc quần short có độn để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt (vùng giữa hậu môn và dương vật)

-tránh rượu, cafein và thức ăn cay và axit

-ngồi trên gối hoặc gối đệm hình tròn có lõm ở giữa

-tắm ngâm nước ấm.

Nói tóm lại, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được nghiên cứu tường tận hơn. Nên để ý đến bịnh lậu, bịnh chlamydia, viêm tuyến tiền liệt, bịnh lao đường tiểu và cơ năng của bàng quang và thận nếu thật sự uống nước nhiều mà đi tiểu vẫn ít, dòng tiểu yếu, khó tiểu.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Reference: 1)https://www.urotoday.com/2014-09-18-02-47-34/infections-main/63741-lifetime-reduction-in-uti-risk-by-male-circumcision-beyond-the-abstract-by-brian-j-morris-dsc-phd-faha.html

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 7 tháng 1 năm 2020

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.