Những bài hát của Nguyễn Thiện Tơ

Những bài hát của Nguyễn Thiện Tơ

Quý vị thân mến, đề tài của ngày hôm nay là nói về những bài hát khi xưa của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả những tác phẩm nổi tiếng một thời như “Giáo đường im bóng”, “Nhắn gió chiều”, “Trên đuờng về”, “Qua bến năm xưa”, v.v…

Mấy năm trước đây có lần trả lời phỏng vấn của một nhà báo, nhạc sĩ Hoàng Giác ở Hà Nội có nói rằng “Lớp nhạc sĩ tiền chiến chúng tôi chẳng còn mấy người, có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đã xấp xỉ 80. Năm ngoái Đoàn Chuẩn đã ra đi! Không biết ai là tiếp theo đây? Trong số đó, hai người tôi mang nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Dương Thiệu Tước và Nguyễn Văn Khánh. Họ cũng đều đã mất. Còn người mà tôi quý mến nhất là anh Doãn Mẫn!... Và ấy là lời của nhạc sĩ Hoàng Giác mấy năm truớc đây!

Thế rồi hồi tháng 05 năm nay, cũng trả lời một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Hoàng Giác, năm nay 86 tuổi, cũng nhắc lại cái ý vừa rồi qua câu trả lời: “Trong lứa bạn nhạc sĩ của thời ấy, nay chỉ còn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (tác giả bài Giáo đường im bóng) hiện vẫn sống tại căn nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội”; tức ông nhắc lại sự thể là nhạc sĩ Dzoãn Mẫn nay cũng đã không còn nữa! Không thấy ông Hoàng Giác nhắc đến một nhạc sĩ lão thành khác hiện cũng sinh sống tại Hà Nội là nhạc sĩ Hoàng Dương, tác giả những ca khúc nổi tiếng như “Tiếc Thu” và “Huớng về Hà Nội”.

Trong mấy tuần lễ vừa qua, nơi chương trình này chúng tôi có nói về sự ra đi của hai nữ ca sĩ nổi tiếng khi xưa là Minh Trang và Thúy Nga. Tuần vừa qua chúng tôi có bài nói về nữ danh ca Tâm Vấn khi xưa, nay sinh sống tại Sàigòn. Qua những đề tài ấy, chúng tôi có suy nghĩ là có lẽ nên nói về những nhân vật có tên tuổi, từng đóng góp để gây dựng nên nền Tân Nhạc Việt Nam khi các vị ấy còn tại thế thay vì chờ cho đến khi đã quá muộn! Bởi vậy hôm nay chúng tôi xin nói về những bài hát thật đặc sắc khi xưa của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ; và trước hết thì xin mời quý thính giả, ta cùng nhau nghe bài hát nổi tiếng và cũng là đầu tay của Nguyễn Thiện Tơ năm tác giả 17 tuổi là bài “Giáo đường im bóng” qua giọng ca Thu Minh với một giọng nam phụ họa.

( Trích “Giáo đường im bóng” )

Vừa rồi là bài hát “Giáo đường im bóng” của Nguyễn Thiện Tơ qua giọng ca Thu Minh với một giọng nam phụ họa. Nếu như có những bài hát thường được kèm theo những giai thoại do người đời kể lại với ít nhiều mức độ chính xác hay khả tín nào đấy thì ngược lại cũng có những bài hát với lai lịch của chúng do chính các tác giả thuật lại. Nhạc sĩ Hoàng Giác đã từng kể về lai lịch những ca khúc nổi tiếng một thời của ông như “Mơ hoa”, “Ngày về“, “Lỡ cung đàn”, thì qua chính lời tự thuật của một Tô Vũ hay Nguyễn Văn Tý chẳng hạn ta cũng đã có được lai lịch các bài hát như “Em đến thăm anh một chiều mưa” hay bài “Dư âm”.

Riêng bài “Giáo đường im bóng” thì ấy là kết quả mối tình đầu của tác giả với một cô gái tên là Vu Hà Tiên nhân một lần gặp gỡ có thể coi như “định mệnh” vào năm 1938 ở Nam Định khi người thanh niên 17 tuổi này từ Hà Nội có dịp hạnh ngộ với thiếu nữ Nam Định kia trong một buổi trình diễn ca nhạc để gây quỹ từ thiện. Có điều là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời ấy may mắn hơn rất nhiều văn nhân, thi nhạc sĩ khác ở chỗ là qua những trắc trở lúc ban đầu, rốt cuộc thì mối tình đầu cũng trở thành mối tình tồn tại cho đến tận ngày hôm nay trong nghĩa phu thê.

Và trong thời gian băn khoăn trắc trở thì hai con người trong cuộc cũng có những nỗi lo âu, muộn phiền đấy, thế nhưng cũng nhờ vậy, rồi qua những năm tháng về sau nữa, mà ta có được những ca khúc sau đấy như “Nhắn gió chiều”, “Trên đường về” ( bài này lời của Hoàng Giác ) (*) mà từ nét nhạc đến lời hát đều nói lên những nỗi trăn trở cùng nhớ nhung.

Xin mời qúy thính giả, ta cùng nhau nghe bài hát “Nhắn gió chiều” qua giọng ca Sĩ Phú.

“Chiều nay sớm về
Với sắc Thu, đẫm u buồn.
Cùng với gió ngàn
Với suong Thu mờ buông.”
( Trích “Nhắn gió chiều” )

Vừa rồi là bài “Nhắn gió chiều” của Nguyễn Thiện Tơ qua giọng ca Sĩ Phú. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921 ở Hà Nội. Thuở nhỏ ông học Hạ-uy-cầm với người thầy là Trần Đinh Khuể và có tài liệu kể lại là chỉ vài tháng sau người thầy đã để cho học trò cùng đàn với mình trên đài phát thanh của Pháp tại Hà Nội. Sau đấy ông học ghi-ta với một thầy dạy người Pháp và rồi sau đấy nữa khởi sự đàn ở các phòng trà. Nam danh ca Anh Ngọc, trong những chuong trình của ban “Tiếng nhạc tâm tình” của mình khi xưa ở Sàigòn, mỗi lần giới thiệu một bài hát của Nguyễn Thiện Tơ đều có câu kèm theo lời dẫn về “ngón đàn Tây ban cầm tuyệt vời” của người nhạc sĩ này! Tuy người nghe những bài hát như “Nhắn gió chiều” hay “Trên đường về” đều thấy rõ âm huởng của nét nhạc Hạ uy di phảng phất qua bài hát. Cũng có tài liệu kể lại rằng trong số những người theo học nhạc của Nguyễn Thiện Tơ còn có co hai tài danh là Dzoãn Mẫn và Đoàn Chuẩn; mà người cùng thời thì đều biết đến ngón đàn Hạ uy cầm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Nhưng đến đây thì xin mời qúy thính giả, ta cùng nhau nghe bài “Qua bến năm xưa”, nhạc của Nguyễn Thiện Tơ, lời của Hoàng Giác (*), qua giọng ca Khánh Ly.

( Trích “Qua bến năm xưa” )

Vừa rồi là bài “Qua bến năm xưa” của Nguyễn Thiện Tơ và Hoàng Giác. Năm 1954 nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ góp tiếng sáo của mình trong ban nhạc của đài “Tiếng nói Việt Nam” ở Hà Nội. Năm 1959 ông chuyển qua dàn nhạc giao hưởng của đài này. Qua đến năm 1965 thì ông chuyển về Xưởng Phim Truyện Việt Nam cũng tại Hà Nội. Điều đáng nói nhất là cũng kể từ sau năm 54 ông không có tác phẩm nào thuộc loại “để đời” như những ca khúc thuở “Tiền Chiến”. Và ấy cũng là tình hình chung cho những tác giả khác cùng thời như Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn, v.v.., kể cả Văn Cao!

Tiếp theo đây xin mời qúy thính giả, ta cùng nhau nghe bài “Trên đường về” của Nguyễn Thiện Tơ, lời của Hoàng Giác (*), qua giọng ca Thanh Lan.

( Trích “Trên đường về” )

Vừa rồi là bài hát “Trên đường về” của Nguyễn Thiện Tơ, lời hát của Hoàng Giác. Nguyễn Thiện Tơ không chỉ cùng viết bài hát chung với Hoàng Giác như trong bài “Qua bến năm xưa” hay “Trên đường về”. Đôi bạn này còn chung nhau viết một bài hát với giai điệu thật đẹp như bài “Tiếng hát biên thùy ” với phần nhạc của Nguyễn Thiện Tơ mà chúng tôi xin giới thiệu tiếp qua giọng ca của nam danh ca Anh Ngọc khi xưa.

( Trích “Tiếng hát biên thùy” )

Qúy thính giả thân mến! Chúng ta đãng cùng nhau nghe bài hát “Tiếng hát biên thùy” của Nguyễn Thiện Tơ và Hoàng Giác. Nơi phần lời hai có câu kết:

Em ơi thời gian có quên bao giờ cánh chim về”.

Người yêu ca nhạc cũng chỉ ao ước là làm sao không để cho thời gian quên đi những ca khúc đẹp đẽ của một thời như chúng ta vừa cùng nhau nghe qua chuong trình ngày hôm nay.

Và đến đây thì cũng đã kết thúc chuong trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay. Xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!