Những người giúp việc nhà Á châu tranh đấu chống lại sự ngược đãi

  • Ivan Broadhead

Mẹ cô Erwiana Sulistyaningsih chăm sóc cô tại một bệnh viện ở Java, Indonesia

Trong mấy tuần lễ vừa qua, các chủ nhân ngược đãi nguời giúp việc trong nhà đã thu hút sự chú ý ở khắp châu Á và Trung Ðông. Tại Malaysia, một cặp vợ chồng đã bị kết án tử hình vì bỏ đói một người giúp việc 26 tuổi. Một cô hầu gái trẻ tuổi khác người Indonesia đã trở về Hong Kong để ủng hộ việc truy tố các chủ nhân đã ngược đãi khiến cô bị lâm vào tình trạng hôn mê. Liệu các sự kiện này có báo hiệu một tương lai công bằng hơn cho hàng triệu phụ nữ làm nghề giúp việc nhà hay không?

Sau gần một tháng nằm viện ở Indonesia, cô Erwiana, 23 tuổi, đã trở lại Hong Kong để theo đuổi công lý. Là con gái của gia đình nông dân ở Ðông Java, cô Erwiana đến thành phố này lần đầu vào tháng 5 năm 2013, làm nghề giúp việc trong nhà với hy vọng kiếm đủ tiền để nuôi gia đình và đi học.

Bà Riyanti nói, “Hồi tháng Một, tôi thấy cô ấy ở phi trường Hong Kong, người xơ xác, không đi nổi, cơ bản là tìm cách trốn thoát.” Ðó là lời người bạn đồng sự và là mẹ của hai người con, bà Riyanti.

Bà nói tiếp: “Chủ của cô ấy đối xử với cô ấy như một nô lệ, còn tệ hơn cả một con vật.”

Bà Riyanti giúp cô Erwiana lên một chuyến bay trở về nhà. Ở đó, hình ảnh các thương tích và câu chuyện của cô Erwiana về ngày làm việc 20 tiếng đã khơi ra sự phẫn nộ trong cả nước.

Các số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho thấy có 50 triệu người làm nghề giúp việc nhà trên toàn cầu.

Khoảng năm triệu là phụ nữ Indonesia mà trong năm ngoái đã gửi về nước gần 10 tỷ đôla ngoại tệ để giúp đỡ gia đình.

Chuyện những công nhân dễ bị tổn hại này bị ngược đãi là phổ biến, theo lời giải thích của bà Audrey Guichon thuộc tổ chức Quốc tế Chống Nô lệ, nhất là đối với những người làm việc ở Trung Ðông. Bà nói:

“Hệ thống kafala được áp dụng khắp tất cả các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Hệ thống này liên kết việc tuyển dụng và cư trú của di dân với chủ nhân của họ. Vì thế nếu một công nhân bỏ việc vì bị ngược đãi thì người đó sẽ trở thành di dân bất hợp pháp ở nước ấy. Ðiều này rõ ràng tạo điều kiện cho chủ nhân lạm dụng người làm việc.”

Riêng tại Ả Rập Sê-út, có 42 người Indonesia đang chờ bị xử tử. Nửa số này được cho là những cô hầu gái, như Darsem Tawar, bị kết án tử hình năm 2011 vì giết người chủ của mình, mặc dầu cô đã khai là lúc đó ông ta đang cưỡng hiếp cô. Mãi đến khi những người ủng hộ cô trả món nợ máu, tức là khoản tiền mặt trả cho gia đình nạn nhân thay vì hành quyết, thì nhà chức trách đã cải án tù của cô.

Trong tháng này, chính phủ Indonesia đã thương lượng cải thiện các điều kiện cho công nhân nước này làm việc ở Ả Rập Sê-út, đánh dấu kết thúc lệnh cấm trong ba năm việc xuất khẩu lao động qua vương quốc này. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần phải làm, theo bà Iweng Karsiweng của Mạng lưới Công nhân Di trú. Bà nói:

“Chúng tôi rất bất bình. Chúng tôi tin rằng gốc rễ của vấn đề là bản thân chính phủ Indonesia, bởi vì chúng ta không có một bộ luật bảo vệ công nhân di trú. Họ cần phải thay đổi hệ thống. Khi gửi người đi nước ngoài, ta cần có một bộ luật để bảo vệ những người ấy.”

Kể từ khi chấp thuận Công ước 189 của ILO vào năm 2011, động năng đã được thiết lập trên toàn cầu để bảo vệ công nhân di trú khỏi bị lạm dụng. Nhưng tiến bộ rất chậm chạp và chỉ có 13 nuớc đã phê chuẩn Công ước, theo lời giải thích của bà Guichon. Bà cho biết:

“Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể lấy làm lạc quan là những người giúp việc nhà trên khắp thế giới đang bắt đầu tổ chức, kể cả ở Trung Ðông. Họ đang bắt đầu ra mặt đòi quyền lợi của mình trước những người quyết định chính sách, để nhắc nhở những người này là họ không thể làm ngơ trước sự kiện là họ đang cung cấp sự hỗ trợ cấp thiết cho xã hội.”

Những người giúp việc nhà đã xuống đường ở Hong Kong. Ở các nơi khác, Philippines, một trong những nước xuất khẩu lao động giúp việc nhà nhiều nhất, là một trong những nước chủ yếu ủng hộ Công ước 189, và Singapore hiện đang tham vấn về một bộ luật để bảo vệ nạn nhân của lao động và áp chế kiểu nô lệ.

Tại Hong Kong, mặc dù chính quyền đã tỏ ra miễn cưỡng trong việc truy tố những người chủ của cô Erwiana, hy vọng dâng cao rằng công lý sẽ được thực hiện. Tuy vậy, vẫn còn những mối quan ngại về việc các cơ quan đòi trả các lệ phí quá mức về các khoản nợ trả cho việc giới thiệu những người giúp việc nhà nghèo khó, cũng như về các chủ nhân giữ lại tiền lương và các quyền tự do cơ bản.

Những sự kiện tương đương với mua bán người không thể bỏ qua, theo bà Archana Kotecha, người đứng đầu về pháp lý tại tổ chức phi chính phủ Liberty Asia, nhất là trong khi các cơ quan quay ra tìm kiếm lao động giúp việc nhà rẻ tiền ở các nước đang phát triển như Myanmar và Bangladesh. Bà nói:

“Lao động cưỡng bức, nô lệ để trả nợ xảy ra tại Hong Kong. Mọi nguời thuờng nghĩ rằng đó là vì ai đó đã được di chuyển từ nơi này qua nơi khác một cách hợp pháp thì họ không phải là một nạn nhân giồng như nguời đã bị nhét vào thùng xe tải và đưa qua biên giới một cách bất hợp pháp. Ðơn giản không phải là như thế.”

Trong khi chủ nhân của cô Erwiana chờ ra tòa ở Hong Kong, và những người bị cáo buộc là sát hại cô Isti kháng án tử hình ở Malaysia, mẹ của cô Erwiana bày tỏ sự đau buồn rằng mọi việc lại biến ra như thế này. Bà nói:

“Bất chấp mọi thứ, tôi vẫn cố gắng giữ niềm tin là con người cơ bản là tử tế.”

*****
Tổ chức Quốc tế Chống Nô lệ sẽ công bố bản phúc trình Into the Unknown: Exploitation of Nepalese Migrant Domestic Workers in Lebanon vào ngày 2 tháng 5, 2014.
Hãy vào trang web www.antislavery.org

Hồi tháng 3, tổ chức Liberty Asia đã công bố bản phúc trình How Many More Years A Slave, khảo sát mối liên hệ giữa nạn buôn bán người và làm nghề giúp việc nhà. Bản phúc trình này có thể tải xuống ở địa chỉ:
http://static.squarespace.com/static/53038dd2e4b0f8636b5fa8c3/t/532efb30e4b00cf211b6164d/1395587888109/JCHK_Report_final_spreads.pdf