Nỗi lo của bệnh nhân tự điều trị Covid ở nhà

Ảnh tư liệu - Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Tp. HCM. Photo VTV1 via Reuters

“Tôi cảm thấy mình thực sự bất lực. Không thể làm được gì nữa, chỉ còn biết lo lắng” – Đó là tâm sự của anh N.P.N, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, khi hay tin vợ anh dương tính với virus corona. Vợ anh đang mang thai 7 tháng và chưa tiêm phòng Covid.

“Tôi đã gọi điện cho tất cả các bệnh viện, các đầu mối mà mình quen biết nhưng không một nơi nào tiếp nhận trường hợp bà bầu như vợ tôi và đều nói hãy gọi điện cho bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nhưng khi tôi gọi điện đến đó thì người ta cũng nói rằng nếu vợ tôi chuyển biến nặng thì người ta mới tiếp nhận thôi,” anh chia sẻ thêm. Anh nói những ngày qua là thời gian cực hình đối với anh với nỗi lo lắng tột cùng cho 2 mẹ con. Còn sức khoẻ của bản thân và khả năng bị lây thì anh đã không còn lo lắng từ lâu.

Cùng chung hoàn cảnh với anh N, chị N.H.H ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết mẹ chị được xác định dương tính với Covid hôm 31/12 sau 2 ngày cảm thấy rát họng, khó thở và khi ăn uống thì mất vị giác. Cụ bà gần 70 tuổi có sức khoẻ không tốt nên chị rất lo, dù bà đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid. Trong hoàn cảnh bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân Covid chưa chuyển biến nặng, lại không có được sự trợ giúp y tế tại nhà, chị H tự mình chăm sóc mẹ trong những ngày này.

“Mẹ tôi có quen biết với mấy người y tế phường. Những người này nói là cô cứ tự điều trị tại nhà đi, nếu chuyển biến nặng thì chúng cháu sẽ liên hệ để cho cô nhập viện. Nhưng đấy là người ta nói thế thôi, chứ bà mà chuyển biến nặng thì cũng chẳng biết thế nào, liệu lúc đấy người ta có giúp mình hay không thì không biết được,” chị H bày tỏ.

Trong những tuần qua, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca nhiễm Covid thuộc hàng cao nhất nước, trên dưới 2.000 ca trên tổng số khoảng 20.000 ca mỗi ngày của cả nước. Vì thế mà hệ thống các bệnh viện, vốn đã thường xuyên quá tải trong nhiều năm qua, giờ càng trở nên chật chội và không còn khả năng tiếp nhận thêm các bệnh nhân Covid. Những bệnh viện tuyến cuối như bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thì càng khó vào nếu không ở trong tình trạng nguy kịch.

Hà Nội công bố có 4.000 y bác sĩ và nhân viên y tế giúp đỡ các bệnh nhân Covid tự điều trị tại gia, nhưng cả anh N và chị H cho biết chỉ được tư vấn và hỗ trợ bởi các nhân viên y tế tuyến phường vốn quen biết lâu nay mà thôi. Mọi chuyện “mình tự lo thôi, trông vào ai được,” chị H bộc bạch.

Trao đổi với VOA, anh N.H.N, một cán bộ y tế làm việc lâu năm tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội hiện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid tại bệnh viện, trấn an rằng mọi người chớ nên quá lo lắng.

Theo chuyên viên này, do hầu hết người dân thành phố đã được chích ngừa đầy đủ hai mũi vaccine trong một khoảng thời gian đủ dài rồi, nên dù có nhiễm virus thì kháng thể sẽ khiến các biểu hiện như rát họng, ho, sốt, mất vị giác giảm bớt trong vòng 5 ngày và khoảng 10 ngày, đa phần các trường hợp sẽ trở lại bình thường, tức là đã khỏi bệnh.

Cán bộ y tế này cũng khuyên mọi người chớ quá lo lắng mà gọi điện đề nghị được nhập viện.

“Bây giờ nếu lo lắng quá, cách tốt nhất là đến thẳng khoa cấp cứu của bệnh viện và nói là tôi không thể thở được cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp thì người ta phải tiếp nhận. Theo nguyên tắc là trong tất cả các trường hợp cấp cứu, nguy kịch thì mọi bệnh viện đều phải tiếp nhận. Tất nhiên, sau khi tiếp nhận và khám mà người ta không thấy mình quá nguy kịch như mình nói ban đầu thì người ta cũng sẽ lại trả về nhà tự điều trị thôi,” anh N khuyến cáo.