Núi lửa Marapi bất ngờ hoạt động ở Indonesia, làm 22 nhà leo núi thiệt mạng

Nhân viên cứu hộ gần núi lửa Marapi ở Agam, West Sumatra, Indonesia.

Hôm 5/12, các quan chức cho biết các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trên sườn dốc nguy hiểm của núi lửa Marapi ở Indonesia đã tìm thấy thêm 11 thi thể của những nhà leo núi không kịp trở tay khi xảy ra vụ phun trào bất ngờ hồi cuối tuần, nâng số người được xác nhận thiệt mạng lên thành 22 người, theo AP.

Hơn 50 nhà leo núi được giải cứu sau đợt phun trào đầu tiên hôm 3/12 và 11 người khác ban đầu được xác nhận đã chết. Ông Abdul Malik, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Padang, cho hay các đợt phun trào hôm 4/12 và 5/12 đã phun thêm tro nóng cao tới 800 mét vào không khí, làm giảm tầm nhìn và buộc các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ phải tạm dừng.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia cho biết người ta tìm thấy thi thể của 2 nhà leo núi hôm 4/12 và 9 thi thể khác hôm 5/12.

Ông Edi Mardianto, phó cảnh sát trưởng tỉnh West Sumatra nói rằng một nhà leo núi vẫn mất tích và được cho là đã chết vì ở rất gần địa điểm phun trào.

Ông nói thêm rằng các thi thể được tìm thấy sẽ được đưa đến bệnh viện để nhận dạng.

Lực lượng cứu hộ phải đối mặt với thời tiết xấu và địa hình khó khăn, cùng với gió mang theo sức nóng từ các vụ phun trào.

Theo Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa của Indonesia, thông tin cảnh báo về núi lửa Marapi vẫn ở mức cao thứ ba trong tổng cộng 4 mức kể từ năm 2011, cho thấy hoạt động núi lửa trên mức bình thường, theo đó những người leo núi và dân làng phải ở cách đỉnh núi hơn 3 km.

Núi lửa Marapi phun ra những cột tro dày cao tới 3.000 mét trong đợt phun hôm 3/12 và những đám mây tro nóng lan rộng vài km.

Khoảng 1.400 người sống trên sườn núi Marapi ở Rubai và Gobah Cumantiang, những ngôi làng gần ngọn núi này nhất, cách đỉnh núi khoảng 5 đến 6 km.

Núi lửa Marapi đã hoạt động kể từ đợt phun hồi tháng 1 và không gây thương vong. Đây là một trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, vốn dễ bị biến động địa chấn do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương.