Nước Mỹ không còn chỗ cho tăng trưởng kinh tế? (phần 1)

Robert J. Gordon, giáo sư kinh tế của trường Đại học Northwestern, vừa có một bài báo thú vị hồi tháng 8 vừa qua nói về cách mạng khoa học kỹ thuật và tương lai tăng trưởng của nước Mỹ. Theo cách nhìn của Gordon, tương lai tăng trưởng của Mỹ trong dài hạn đang lụi tàn dần, và trong khoảng vài thập kỷ tới, có vẻ như nước Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng loanh quanh ở gần 0%, tức là về cơ bản sẽ dậm chân tại chỗ.

Đây là một quan điểm rất mạnh. Nó không phải là một lời tiên tri, cũng không phải là một công trình nghiên cứu định lượng hoàn hảo, tuy nhiên, nói như Krugman, thì “mục đích của các bài viết như vậy là làm cho bạn nghĩ theo cách khác hẳn” so với cách tư duy đang thịnh hành.

Lập luận của Gordon tập trung vào hai ý rất quan trọng:

Tiến bộ khoa học kỹ thuật đang ngày càng kém dần

Ông cho rằng động lực của tăng trưởng kinh tế là các tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Tăng trưởng kinh tế giờ đây được người ta nhìn nhận như một lẽ tự nhiên, một quá trình liên tục và không bao giờ chấm dứt. Thế nhưng thực ra nhìn lại lịch sử của nhân loại thì tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng tương đối mới, chủ yếu diễn ra từ khoảng 250 năm trở lại đây, và được thôi thúc bởi sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật (KHKT).

Cũng theo Gordon, tiến bộ về KHKT không phải là một quá trình tiệm tiến, liên tục, mà là một quá trình gồm các phát minh rời rạc, được tiếp nối bằng các cải tiến nhỏ nhằm đưa ứng dụng của các phát minh ban đầu này vào cuộc sống. Có nhiều sự tiến bộ KHKT trong một số lĩnh vực chỉ diễn ra theo kiểu giật cục, thậm chí chỉ có một lần mà chưa có lần tiếp theo. Thí dụ, tốc độ của máy bay hiện nay so với khoảng 50, 60 năm trước là về cơ bản không có tiến bộ nào, thậm chí máy bay thương mại hiện nay còn bay chậm hơn hồi trước vì lý do phải tiết kiệm năng lượng hơn.

  • Cuộc cách mạng KHKT lần thứ nhất (IR#1) diễn ra vào khoảng năm 1750 và kéo dài tới 1830 với các điểm nhấn là động cơ hơi nước, máy quấn sợi, và đường sắt.

  • Cuộc cách mạng KHKT lần thứ 2 (IR#2) diễn ra từ 1870 và kéo dài tới 1900 với các phát minh “hàng khủng” như điện, động cơ đốt trong, đường ống dẫn nước và hệ thống cung cấp/thoát nước tới tận các hộ gia đình.

  • Cuộc cách mạng KHKT lần thứ 3 (IR#3) bắt đầu vào khoảng năm 1960, đạt đến cực thịnh vào cuối những năm 1990s với các phát minh chủ yếu trong lĩnh vực điện toán và internet.

Theo Gordon, hai cuộc cách mạng KHKT lần 1 và lần 2 đều mất khoảng 100 năm mới phát huy được hết các ảnh hưởng của nó đến kinh tế. Lý do là các phát minh quan trọng nhất trong mỗi cuộc cách mạng này sẽ được tiếp nối bởi nhiều các phát minh dựa trên các phát minh gốc ban đầu. Thí dụ cuộc cách mạng KHKT lần 2 còn tiếp tục làm lột xác nền kinh tế trong những thập niên 1950-70 với các phát minh “phái sinh” như máy điều hoà không khí, thiết bị gia dụng, và hệ thống đường cao tốc xuyên liên bang. Sau năm 1970 thì các phát minh phái sinh này cơ bản đã cạn và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động vì thế giảm đi rất nhiều.

Đối với cuộc cách mạng KHKT lần thứ 3, trái với nhiều người hiện nay đang ca ngợi là cuộc cách mạng quan trọng nhất, Gordon cho rằng đây là một cuộc cách mạng ngắn ngủi và các ứng dụng của nó liên quan đến tăng năng suất lao động cơ bản đã cạn kiệt từ khoảng 10 năm trước. Nhiều trong số các ứng dụng liên quan đến năng suất lao động của cuộc cách mạng điện toán và internet này đã diễn ra từ rất lâu (những năm 1970 và 1980).

Theo Gordon, từ năm 2000 trở lại đây các phát minh của IR#3 chủ yếu tập trung vào giải trí và liên lạc với các sản phẩm ngày càng nhỏ hơn, thông minh hơn, khả năng sử lý tốt hơn, nhưng thực ra không làm thay đổi năng suất lao động hoặc mức sống của con người một cách đáng kể như các phát minh ra điện, xe hơi, hay hệ thống cấp thoát nước trong hộ gia đình – là các phát minh bản lề của IR#3.

Gordon đưa ra một ví dụ đặc biệt thú vị để minh chứng cho luận điệu này của ông. Theo Gordon, hãy giả tưởng rằng bạn phải đứng trước 2 lựa chọn:

  • Lựa chọn A là bạn phải bỏ tất tuốt các tiến bộ công nghệ từ năm 2002 trở lại đây, mà chỉ được dùng các tiến bộ công nghệ IR#3 có từ trước đó (đã bao gồm máy tính xách tay với hệ điều hành Window, trình duyệt web, trang bán hàng trực tuyến Amazon…) và bạn được quyền giữ lại một phát minh từ IR#2 – đó là có hệ thống cấp thoát nước đến tận nhà bạn.
  • Lựa chọn B là bạn được quyền giữ lại tất cả các tiến bộ công nghệ của IR#3 tính đến thời điểm này (bao gồm cả Facebook, Twitter, Ipad, Blog…), nhưng bạn phải từ bỏ một phát minh của IR#2, đó là bạn sẽ không có hệ thống cấp thoát nước đến tận hộ gia đình (và vì thế cũng không có nhà vệ sinh trong nhà). Bạn phải tự tay xách nước về nhà và trở nước thải đi đổ. Ngay cả vào lúc 3 giờ sáng vào một ngày mưa gió, lựa chọn duy nhất cho bạn khi muốn đi vệ sinh là đi bộ ra khỏi nhà dưới trời mưa và có thể là lầy lội nữa.

Gordon đã đặt câu hỏi này với nhiều người, bao gồm cả các tín đồ trung thành của cuộc cách mạng điện toán và internet. Câu trả lời thì đương nhiên là quá rõ ràng – luôn luôn là lựa chọn A. Gordon nhấn mạnh rằng đó là việc đánh đổi chỉ có MỘT phát minh của IR#2, trong khi IR#2 có rất nhiều phát minh còn quan trọng hơn là hệ thống cấp thoát nước tại nhà.

Vì thế theo Gordon, mặc cho các lời ca tụng hào nhoáng về cuộc cách mạng điện toán và internet đang diễn ra, về mặt năng suất lao động thì các phát minh trong khoảng hơn 10 năm gần đây cơ bản đã không còn. Nói cách khác, IR#3 đã cơ bản không còn ảnh hưởng tích cực tới tăng năng suất lao động, và vì thế tăng trưởng kinh tế nữa. (Cần lưu ý rằng Gordon không có ý so sánh các thành tựu của IR#3 với một phát minh duy nhất là hệ thống cấp thoát nước tại nhà. So sánh của ông chỉ nhằm nói về tiến bộ KHKT của IR#3 trong vòng 10 năm trở lại đây – từ năm 2002- là hầu như không còn đáng kể nữa nếu so với các phát minh của các cuộc cách mạng KHKT lần trước).

Khi nào thì sẽ có một cuộc cách mạng KHKT mới để tạo động lực mới cho một giai đoạn mới của tăng năng suất lao động, và vì thế tăng trưởng kinh tế, ở Mỹ? Đây là câu hỏi không ai có thể trả lời được vào thời điểm này. Tuy nhiên, theo Gordon, có những yếu tố mà, giả sử tiến bộ KHKT vẫn tiếp diễn và không ảnh hưởng kém đi đến việc tăng năng suất lao động, thì chúng vẫn làm tương lai tăng trưởng của nước Mỹ bị teo giảm tới mức gần như bằng không trong tương lai không quá xa của nước Mỹ. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.