OECD lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 

Đồng đô la Mỹ và euro của châu Âu tại một cửa hàng trao đổi ngoại tệ ở Paris. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm tăng trưởng trong năm nay và năm tới, theo dự báo của OECD.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) một lần nữa lại cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2019 và 2020 sau những lần hạ giảm trước đó vào tháng 11. Tổ chức này còn cảnh báo rằng các tranh chấp thương mại và những bất định vì Brexit sẽ ảnh hưởng tới thương mại và các doanh nghiệp trên thế giới.

Trong phúc trình báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,3% trong năm 2019, và 3,4% trong năm 2020.

Những mức dự báo này cho thấy OECD đã hạ dự báo tăng trưởng 0,2% cho năm 2019 và 0,1% điểm cho năm 2020, so với các dự báo đã đưa ra trước đây vào tháng 11 năm 2018.

Theo phúc trình của OECD, “những bất ổn về chính sách, những căng thẳng thương mại đang diễn ra, và sự sói mòn lòng tin của các doanh nghiệp và giới tiêu thụ, là những nhân tố góp phần dẫn tới quyết định hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế”

“Tại Châu Âu, bất ổn về chính sách vẫn cao, kể cảnhững bất ổn do Brexit- tức là nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, gây ra. Một tiến trình Brexit không có trật tự sẽ đẩy cao những phí tổn đối với các nền kinh tế châu Âu,” theo OECD.

Ngoài vấn đề Brexit, Châu Âu còn bị tác động bởi những tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và những điểm yếu khác, như những dấu hiệu về một cuộc suy thoái ở Ý.

Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, OECD dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 hạ xuống còn có phân nửa so với dự báo trước đó, từ 1,6% xuốngcòn có 0,7%.

OECD dự báo kinh tế Đức sẽ hồi phục đôi chút, lên 1,1% trong năm 2020. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức đặc biệt bị tác động vì mức cầu thấp trên toàn cầu trong khi những rào cản thương mại gia tăng.

Trong khi đó, các dữ liệu trước đây trong tháng Ba 2019 cho thấy thu nhập cá nhân ở Mỹ đã giảm, lần đầu tiên trong 3 năm vào tháng 1 vừa rồi, và mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 vào tháng 12 năm ngoái, đặt nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng tăng trưởng khá èo ọt ngay trong quý đầu tiên của năm 2019.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng phải đối mặt với những dấu hiệu tăng trưởng chậm.

Trung Quốc đã tìm cách vực dậy nền kinh tế đang trì chậm của mình thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế hàng tỷ đô la, đồng thời giảm chi vào lĩnh vực xây dựng cấu trúc hạ tầng trong khi đà tăng trưởng kinh tế đang ở mức yếu nhất trong vòng 30 năm qua do nhu cầu trong nước giảm và cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.