Olympic Sochi 2014 lập kỷ lục kinh phí

Trung trâm trượt băng ở Sochi phục vụ Olympic mùa Ðông 2014 (ảnh tư liệu).

Những công trình kiến trúc mới đang mọc lên ở thành phố Sochi báo hiệu công cuộc chuẩn bị đăng cai Olympic mùa Ðông 2014 của Nga đang bước và giai đoạn cuối, nhưng kèm với những kiến trúc đó là những tố cáo về tình trạng biển thủ kinh phí cao kỷ lục.

Kiến trúc mái vòm hình vỏ sò của Sân vận động Fisht Olympic nổi lên giữa Công viên Thế vận Sochi mang đầy vẻ tự hào của một trung tâm Olympic mùa Ðông 2014. Sân vận động với sức chứa 40.000 chỗ này sẽ là nơi trình diễn cho toàn thế giới lễ khai mạc và lễ bế mạc Olympic Sochi 2014.

Sân vận động được đặt theo tên của ngọi núi ở gần đó là Fisht Moutain có độ cao 2.857 mét so với mặt biển, và là một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất ở Nga.

Kiến trúc mái vòm hình vỏ sò được thiết kế từ nguồn cảm hứng của nghệ thuật chế tác các tác phẩm kim hoàn hình quả trứng Fabergé đặc sắc của Nga. Phần mở của mái vòm để cho quan khách bên trong sân vận động có thể chiêm ngưỡng quan cảnh hùng vĩ của rặng Caucasus ở hướng bắc, và Hắc Hải ở hướng nam.

Sau Thế vận hội mùa Ðông 2014, sân vận động này sẽ được sử dụng làm trung tâm tập luyện cho đội tuyển bóng đá Nga. Sân này cũng sẽ đăng cai một số trận đấu của World Cup 2018, khi Nga là nước chủ nhà.

Nga đang chi tiêu rất hào phóng cho công cuộc chuẩn bị cho Olympic Sochi 2014, sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất mà Nga đăng cai kể từ khi kết thúc chế độ Xô Viết. Tuy nhiên dư luận cũng lên tiếng rằng một tỉ lệ lớn trong khoản chi đó đi vào túi các quan tham.

Nhà lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov, cựu Phó Thủ tướng Nga, cùng với ông Leonid Martynyuk, một thành viên của Phong trào Ðoàn kết chống Kremlin, nói rằng Olympic Sochi là một công trình “‘bất lương khủng khiếp.”

Ông Boris Nemtsov tố cáo rằng các giới chức và doanh gia Nga trong những năm chuẩn bị cho Olympic Sochi đã biển thủ hàng tỉ đôla.

Phúc trình của ông Nemtsov và ông Martynyuk vừa được phổ biến hôm 30 tháng 5 nói rằng có đến 30 tỉ đôla thất thoát trong kinh phí chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Ðông ở thành phố miền nam nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ thất vọng trước việc kinh phí cho đại hội thể thao này vượt mức dự toán quá cao.

Theo công bố ban đầu của Nga vào năm 2007, thì Olympic Sochi 2014 sẽ tốn khoảng 12 tỉ đôla. Trong 6 năm qua, mức ước tính đó đã tăng lên thành 51 tỉ đôla, khiến cho Sochi trở thành Olympic đắt giá nhất trong lịch sử, tính cả Olympic mùa đông lẫn mùa hè. Ðể có một con số so sánh gần với thực tế: chi phí tổng cộng của Olympic mùa Hè ở London năm 2012 là 14.3 tỉ đôla.

Hầu hết các dự án đều được giao cho các công ty khổng lồ của nhà nước hoặc của các tỉ phú có quan hệ chặt chẽ với điện Kremlin.

Ông Nemtsov đi đến kết luận 30 tỉ đôla thất thoát bằng việc so sánh dự toán kinh phí ban đầu với thực chi hiện nay là 51 tỉ đôla và chi phí để đăng cai các Olympic trước đây.

Ông Nemtsov nói khác biệt giữa chi phí ước tính ban đầu và thực chi của các Olympic trong 14 năm qua trung bình là cao gấp 2 lần, nhưng riêng trong trường hợp Sochi là cao cấp 4 lần.

Ông Nemtsov nói với các phóng viên báo chí hôm 30 tháng 5 tại Moscow rằng chi phí tăng cao bất thường đó là do “tham nhũng, sai phạm, quản lý luộm thuộm và thiếu chuyên môn.”

Ông Nemtsov không cho biết các tính toán chi tiết để đi đến kết luận là 30 tỉ đôla rơi vào các túi tham, nhưng ông nói “chuyện đó tùy thuộc vào các nhà điều tra.”

Trong thời gian gần đây, ông Nemtsov đã tạo được uy tín qua các bài chỉ trích tình trạng tham nhũng và biển thủ trong chính phủ của ông Putin.

Ðiện Kremlin nói rằng những phúc trình trước đây của ông Nemtsov chỉ dựa vào những lời truyền miệng hay tin đồn.

Ông Nemtsov thừa nhận rằng rất khó có thể thu thập được những dữ liệu chính thức của chính phủ cho phúc trình mới nhất này của ông, bởi vì thông tin về các hợp đồng xây dựng cho Olympic Sochi đều trong vòng bí mật.

Ông Alexander Zhukov, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga, nói rằng ông cần có thời gian để phân tích những số liệu trong phúc trình của ông Nemtsov, nhưng ông bày tỏ tin tưởng rằng các công tố viên và Kiểm toán nhà nước Nga giám sát chặt chẽ chi tiêu cho Olympic Sochi.

Ông Jean-Claude Killy, cựu vận động viên trượt tuyết Pháp hiện dẫn đầu ủy ban điều hợp Olympic Sochi của IOC, lại tỏ ra lạc quan với công tác chuẩn bị của Nga. “Chưa có một Olympic nào mà không tham nhũng,” ông Kelly nói. “Ðó không phải là cái cớ để biện bạch, thế nhưng tham nhũng có thể đã có ở nước này, và đã có từ trước. Hy vọng là chúng ta sẽ tìm ra một phương cách nào đó để tránh.”

Tham nhũng từ lâu đã hoành hành ở Nga trên nhiều lãnh vực, nhất là trong ngành xây dựng, và con số những cơ sở mới cần để phục vụ Olympic Sochi là một trong những cơ hội béo bở nhất.

Chuẩn bị đăng cai Olympic Sochi không chỉ xây dựng một sân vận động Olympic, ba làng thế vận, một trường trượt tuyết nhảy xa, mấy sân khúc côn cầu trên băng và một trường trượt tuyết địa hình, mà còn là các công trình nâng cấp và xây dựng mới hạ tầng cơ sở, như đường xá, cầu cống, khách sạn, cảng, phi trường, và hệ thống tải điện ngầm .v.v.

Sau Thế vận hội mùa Ðông 2014 ở thành phố Sochi, Nga sẽ tập trung chuẩn bị cho việc đăng cai World Cup 2018 trên phạm vi toàn quốc.