Khủng hoảng trầm trọng hơn vào lúc Thủ tướng Pakistan bị truy tố

Thủ tướng Yousuf Riza Gilani ra trước Tòa án Tối cao ở Islamabad, ngày 13/2/2012

Tối cao pháp viện Pakistan đã truy tố Thủ tướng Yousuf Gilani về tội khinh mạn tòa án vì cưỡng lại lệnh mở lại các vụ án tham nhũng chống lại người lãnh đạo đảng là Tổng thống Asif Ali Zardari. Nếu bị kết tội, vị thủ tướng đang gặp khó khăn này có thể bị kết án 6 tháng tù và mất chức. Từ Islamabad, thông tín viên VOA Ayaz Gul gửi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Yousuf Riza Gilani đã tuân lệnh Tối cao Pháp viện hôm nay và ra trước phiên tòa đông nghẹt ở Islamabad, nơi một hội đồng gồm 7 thẩm phán truy tố ông về tội khinh mạn tòa án.

Phiên tòa này đánh dấu khởi đầu chính thức vụ xử được nhiều người chú ý, khiến ông Gilani trở thành nhà hành pháp đầu tiên bị truy tố trong khi tại chức.

Các cáo trạng khinh mạn xuất phát từ một phán quyết trước đây của tòa ra lệnh cho thủ tướng mở lại các vụ án tham nhũng cũ chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari, kể cả những vụ có cơ sở ở các nước ngoài, nhất là tại Thụy Sĩ.

Nhưng ông Gilani đã liên tục từ chối không thi hành, và nhấn mạnh rằng hiến pháp của Pakistan không cho phép ông khởi tố chống lại ông Zardari chừng nào ông này còn là tổng thống của Pakistan.

Khi đọc các cáo trạng khinh mạn cho Thủ tướng Pakistan, vị thẩm phán chính, ông Nasir ul Mulk xác định rằng ông Gilani đã “cố ý bất tuân, coi thường và không thi hành” lệnh của Tối cao Pháp viện.

Thủ tướng Pakistan nói với các thẩm phán rằng ông hiểu rõ các cáo trạng và cam kết sẽ chống lại các cáo trạng đó. Giới bình luận nói vụ án này có phần chắc sẽ gây trầm trọng thêm cho vụ khủng hoảng chính trị đang âm ỉ ở Pakistan.

Các chuyên gia pháp lý như cựu bộ trưởng tư pháp, thượng nghị sĩ Syed Mohammad Zafar nói quyết định không nhận tội của thủ tướng đã khiến ông không còn nhiều chọn lựa. Tuy nhiên, ông cho rằng ông Gilani vẫn có thể tránh bị kết án nếu trong bất cứ giai đoạn nào của vụ xử tội khinh mạn ông lên tiếng xin lỗi và cam kết mở lại các vụ án tham nhũng chống lại Tổng thống Zardari.

Ông Zafar nói trong trường hợp đó, tòa án sẽ tùy nghi chấp nhận hay không chấp nhận lời xin lỗi của ông Gilani. Do đó, ông Gilani không có mấy lựa chọn. Nay ông đang là một vị thủ tướng bị truy tố về tội khinh mạn tòa án, là điều chắc chắn sẽ gây phương hại cho vị thế của ông. Khi ông nói ông sẽ tranh tụng, thì ông đã đóng lại các chọn lựa của mình.

Thủ tướng Gilani đã nói ông sẽ bị buộc phải rời chức nếu Tối cao Pháp viện kết tội ông, và ông có thể còn bị 6 tháng tù nữa.

Các vụ án tham nhũng chống lại Tổng thống Zardari và hàng ngàn người khác đã bắt đầu từ thời thập niên 1990 nhưng đã bị bãi bỏ vào năm 2007 nhờ một bộ luật ân xá gây nhiều tranh cãi thông qua dưới thời cựu tổng thống thuộc phe quân đội là tướng Pervez Musharraf.

Tối cao Pháp viện đã phủ quyết luật ân xá vào cuối năm 2009 và ra lệnh cho chính phủ liên hiệp của ông Gilani mở lại tất cả các vụ án ở Pakistan và viết thư cho giới hữu trách Thụy Sĩ cũng làm như thế ở Thụy Sĩ, là nơi ông Zardari bị nghi là đã rửa tiền hàng triệu đôla. Ông Zardari bác bỏ những cáo buộc này.