Phái đoàn chính phủ Pakistan không dự đàm phán với Taliban

Ông Maulana Sami ul-Haq (giữa) một trong những nhà thương thuyết của phe Taliban trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo, 4/1/14

Một tay đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 8 tại một khu phố người Shia ở thành phố Peshawar của Pakistan, ngay trong lúc các nhà thương thuyết của chính phủ hy vọng mở các cuộc đàm phán sơ bộ với phe Taliban ở Pakistan trong tuần này. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ayaz Gul từ Islamabad, chính phủ ngỏ ý muốn các cuộc đàm phán chấm dứt hoạt động chủ chiến trong nước, nhưng chưa thành lập xong toán thương thuyết.

Chính phủ Pakistan và các nhà thương thuyết của phe Taliban đã dự định gặp nhau vào ngày thứ ba tại văn phòng của một đảng Hồi giáo lớn là Jamaat-e-Islami ở thủ đô Pakistan.

Một nhóm các nhà lãnh đạo Hồi giáo đại diện cho phe Taliban đã đến, nhưng phái đoàn của chính phủ quyết định vào phút chót không tham dự các cuộc đàm phán.

Sự kiện này đã gây phẫn nộ cho Sami ul-Haq, một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan còn được gọi là Cha đẻ của Taliban ở Afghanistan.

Ông Haq nói phái đoàn chính phủ đã rút lui bởi vì Thủ tướng Nawaz Sharif đã bị “đặt dưới áp lực” vì sáng kiến hòa bình của ông. Ông Haq không đi vào chi tiết và nói các cánh cửa của Taliban vẫn rộng mở cho các cuộc đàm phán và cả hai bên “không cần phải bỏ lỡ cơ hội bằng vàng này.”

Nhà nghị hòa của chính phủ Rustum Shah Mohmand nói với đài VOA rằng phe Taliban ban đầu đã bổ nhiệm một toán thương thuyết gồm 5 thành viên, nhưng 2 người trong số này đã rút lui hôm thứ hai.

Ông Mohmand nói: “Vì thế, ủy ban của chúng tôi quan niệm rằng điều tốt nhất là chúng ta hãy đợi cho uỷ ban Taliban hoàn tất và khi đã được thành lập đầy đủ thì chúng ta sẽ tiếp xúc và gặp gỡ họ. Nhưng trong khi chờ đợi, phe Taliban nói phái đoàn 3 thành viên này là uỷ ban chung quyết … và tôi nghĩ chúng tôi sẽ họp với họ trong 1 hay 2 ngày nữa.”

Phái đoàn Taliban gồm các nhà lãnh đạo của các phe phái tôn giáo Pakistan với đại diện của quốc hội, nhưng chưa có lãnh tụ hay chiến binh thực thụ nào của nhóm nổi dậy nào ở trong ủy ban hòa bình cả.

Ông Mohmand nói ông không lạc quan về hiệu năng của các cuộc đàm phán với phái đoàn Taliban hiện thời, cho dù chính phủ đã đồng ý tham gia đàm phán bởi vì họ muốn chấm dứt cuộc đổ máu ở Pakistan càng sớm càng hay.

Ông nói tiếp: “Nhưng các cuộc đàm phán thực sự, có mục đích, có ý nghĩa và hiệu quả sẽ được tổ chức với các thành viên của chính tổ chức Tehrik-e-Taliban bởi vì chúng tôi tin rằng chỉ có họ mới có thể quyết định về những vấn đề cấp thiết như trao đổi tù binh, như các phần tử chủ chiến nước ngoài (ở các khu bộ tộc), như ân xá (cho các phần tử chủ chiến), vân vân… Ðây là những vấn đề rất khó khăn và phức tạp vì thế mà sớm muộn họ phải đưa ra phái đoàn riêng của mình, theo ý tôi.”

Các phần tử chủ chiến hồi giáo đang tiến hành một cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại quốc gia Pakistan dưới trướng của một tổ chức gọi là Tehrik-e-Taliban Pakistan. Nhóm bị đặt ra ngoài vòng pháp luật này muốn áp dụng luật Hồi giáo trong nước, phóng thích các chiến binh ra khỏi nhà tù ở các vùng bộ tộc tây bắc Pakistan, khét tiếng là dung dưỡng các phần tử chủ chiến trong và ngoài nước.

Thủ tướng Sharif đã bị các tổ chức nhân quyền và lực lượng chính trị cấp tiến đả kích vì tham gia hòa đàm với các phần tử chủ chiến, đã tổ chức những vụ tấn công gây chết người nhắm vào dân chúng Pakistan và đã nhận trách nhiệm sát hại hàng ngàn người trong những năm gần đây.

Nhưng ông Sharif nhấn mạnh rằng các đường lối hòa bình có thể giúp giải quyết vấn đề chủ chiến và việc sử dụng sức mạnh quân sự thực ra đã đem lại thêm sức mạnh cho phe nổi dậy. Phát biểu với một cuộc họp các sĩ quan quân đội hôm thứ ba tại Islamabad, ông nhấn mạnh đến mối đe dọa an ninh mà Pakistan đang phải đối phó.

Ông Sharif nói: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối diện hôm nay là về luật pháp và trật tự và an ninh nội địa. Nói chung, các biểu hiện bao gồm chủ nghĩa khủng bố và cực đoan và xung đột phe phái. Tôi không có ảo tưởng rằng đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Nó không thể được giải quyết bởi một đảng phái hay một cơ chế duy nhất nào. Nó đòi hỏi sự đáp ứng của toàn bộ quốc gia.”

Một số người chỉ trích mô tả sáng kiến hòa bình là một sự vi phạm hiến pháp quốc gia, theo đó nhà nước không được phép tham gia vào các cuộc đàm phán với những nhóm lên án quốc hội là phi-hồi giáo. Nhưng nhà thương thuyết của chính phủ Mohmand nói bất kỳ cuộc đàm phán nào với phe Taliban sẽ được tổ chức theo đúng luật pháp.