Phản ứng về vụ bắt giữ nghi can Benghazi

Nghi can khủng bố người Lybia Ahmed Abu Khatallah.

Việc bắt giữ nghi can khủng bố người Lybia Ahmed Abu Khatallah có thể đem lại thông tin có giá trị về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2012 vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Lybia đã làm 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Ðại sứ Christopher Stevens. Tuy vụ bắt giữ này được coi là một thắng lợi chính trị cho Tổng thống Obama, vấn đề chính quyền Obama xử lý vụ tấn công như thế nào dường như có phần chắc vẫn còn được bàn đến. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm qua, Tổng thống Obama tuyên bố việc bắt giữ Ahmed Ab Khatallah ở gần thành phố lớn thứ nhì của Libya hôm chủ nhật gửi đi một thông điệp trên toàn thế giới.

“Ðiều quan trọng là chúng tôi gửi đi một thông điệp cho thế giới, rằng khi người Mỹ bị tấn công thì cho dù mất bao nhiêu lâu, chúng tôi vẫn sẽ đi tìm những thủ phạm và sẽ đưa chúng ra trước công lý, và đó là thông điệp tôi đã gửi đi vào ngày xảy ra sự kiện đó, và, bất chấp mất bao nhiêu lâu, chúng tôi cũng sẽ tìm ra các anh, và tôi muốn bảo đảm rằng mọi người trên khắp thế giới nghe rất rõ thông điệp này.”

Tổng thống Obama cho biết Khatallah nay sẽ phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của hệ thống tư pháp Mỹ.

Ông Colin Clarke, một nhà phân tích về chống nổi dậy thuộc Công ty RAND, nói rằng vụ bắt giữ đầu tiên 2 năm sau cuộc tấn công mang ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng.

“Chỉ vì tầm quan trọng của các vụ tấn công ở Benghazi, tất cả việc theo dõi chính trị diễn ra ở Hoa Kỳ. Nhưng, nếu như cá nhân này, như theo cáo giác, là một thành viên chủ chốt trong vụ tấn công, thì chắc chắn sẽ có khả năng hoạt động chuyên môn, tay nghề khủng bố có khả năng tấn công một lần nữa. Do đó, tôi nghĩ sự kiện này quan trọng cả về mặt tượng trưng lẫn hoạt động.”

Thông tấn xã Reuters loan tin đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power đã nói với Hội đồng Bảo an rằng Katallha đã hoạch định tấn công thêm nhiều người Mỹ và sự kiện này biện minh cho việc bắt giữ hắn ta.

Tòa Bạch Ốc nói Khatallah, được xác nhận là thủ lạnh cấp cao của nhóm khủng bố Ansar al-Sharia ở Libya, sẽ không được đưa tới trung tâm giam giữ của quân đội Hoa Kỳ ở Vịnh Guantanamo. Thay vì thế, hắn ta sẽ phải đối mặt với các cáo trạng sát nhân tại một tòa dân sự, nơi các nghi can khủng bố khác đã bị đưa ra xét xử.

Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi ngày 11/9/2012 đã làm thiệt mạng Đại sứ Christopher Stephens và ba người Mỹ khác.

Ông Clarke nói ông hy vọng cuộc thẩm vấn nghi can trước phiên tòa sẽ đem lại thông tin tình báo đáng giá về các đồng lõa của hắn.

“Loại thông tin nào có thể thu thập được từ nghi can còn phải xác định, nhưng đây có lẽ là một trong những cơ hội tốt nhất mà Hoa Kỳ có được, một khi họ thẩm vấn cá nhân này, để biết thêm thông tin và tập hợp lại thành một phác đồ chi tiết hơn xem mạng lưới này ra sao.”

Trưởng khối Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell nói, “Ðiều đáng giá nhất chúng ta có thể khai thác được từ phần tử khủng bố này là thông tin về những kẻ nào khác can dự “ vào vụ tấn công. Ông McConnell nói, “chúng ta sẽ theo dõi sát xem có thể gặt hái được bao nhiêu thông tin từ hắn ta và xem họ xử lý thông tin đó như thế nào.”

Quốc hội đã mở nhiều cuộc điều tra về việc xử lý vụ tấn công Benghazi của Chính quyền Obama, mà ban đầu nói là hậu quả của việc phổ biến một băng video bài Hồi giáo. Sau đó lại thừa nhận là một vụ tấn công khủng bố.

Bà Hillary Clinton, lúc đó làm Ngoại trưởng, đã bị cáo buộc là cung cấp an ninh không đầy đủ tại đại sứ quán. Ðược coi là người có thể ra ứng cử tổng thống năm 2016, bà Clinton hôm qua tuyến bố bà vui mừng về việc Khatallhah bị bắt. Bà nói hắn ta đã là mối quan tâm của nhiều giới chức Hoa Kỳ kể từ sau vụ tấn công và ắt sẽ giúp tập hợp được các chi tiết về những gì đã xảy ra.

Bà Pat Smith, thân mẫu của Sean Smith, một trong số những người Mỹ bị sát hại, cho biết khi được kể về vụ bắt giữ, bà vẫn chưa được chính phủ gọi điện thoại của chính phủ về lý do con bà chết. Bà nói bà xứng đáng được biết điều đó và hy vọng thảm kịch này sẽ không xảy ra cho bất cứ người nào khác nữa.